TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng với những trào lưu câu like "nói là làm" đang tràn lan trên facebook và để lại hậu quả nghiêm trọng thì trách nhiệm không chỉ thuộc về những chủ nhân facebook câu like mà cả những người tham gia like trên mạng xã hội.
Thời gian gần đây, mạng xã hội facebook đang xuất hiện trào lưu "nói là làm" được nhiều người tham gia với những hành vi phản cảm thậm chí là vi phạm pháp luật.
Để nhận được những cái like (thích) trên facebook, nhiều người sẵn sàng tung clip "nóng", thậm chí là tự thiêu, nhảy cầu như trường hợp thanh niên ở TP. HCM hay trường hợp nữ sinh 13 tuổi mang xăng đốt trường khi nhận được 1.000 like.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc sử dụng mạng xã hội facebook hiện nay đang có những lệch lạc.
"Những người trẻ tham gia trào lưu câu like nói trên là những người không xác định được giá trị. Họ chỉ quan tâm tới việc được mọi người thích thế là làm mà không biết họ thích cái gì ở mình. Thích là thích sự đóng góp, lòng nhân ái, bao dung, tất cả giá trị tốt đẹp con người chứ không chỉ có cái ảnh, cái quần cái áo" - TS Lâm nói.
Theo TS Lâm, những người like cũng hùa theo tức là đã kích thích những người này làm chứ không phải là những việc họ làm là có giá trị hay không.
"Những việc các cá nhân này làm đâu phải là những giá trị để khuyến khích?" - TS Lâm đặt câu hỏi. "Lỗi cũng thuộc về những người like không có ý thức. Like những điều không có giá trị".
Ông Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, facebook hiện nay là kênh truyền thông tương đối nhanh nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, nhiều tác động ngược.
Vì vậy, theo ông Minh, điều cần làm là phải hướng cho học sinh, sinh viên và những người trẻ nhận thức được đâu là những điều ảnh hưởng chưa tốt.
“Trên facebook có những cộng đồng có ảnh hưởng tốt, cũng có những cộng đồng chưa tốt, do đó, việc quan trọng là ảnh hưởng chưa tốt để các bạn sinh viên, các bạn trẻ nhận thức được mới quan trọng chứ bây giờ không thể nói việc này là đúng hay sai được” – ông Minh nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, những sự việc như tự thiêu hay đốt trường vì câu like trong thời gian vừa qua là những sự việc đáng tiếc và không ai mong muốn.
Bà Nghĩa cho rằng, học sinh lứa tuổi THCS là lứa tuổi đang lớn, có nhiều thay đổi tâm sinh lý và dễ bị tác động, dễ bị lôi kéo.
Do đó, “trách nhiệm của nhà trường, của gia đình là cần phối hợp thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến tâm sinh lý nhắc nhở để tránh tình trạng đáng tiếc như vừa qua” – bà Nghĩa khẳng định.
Trong khi đó, TS Lâm cũng đề nghị khi xây dựng các bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường cần phải đưa thêm cả những quy tắc sử dụng facebook đồng thời giáo dục cho học sinh trong nhà trường về trách nhiệm.
Lê Văn – Thanh Hùng