Việt Nam đã có nhiều năm trải qua quá trình nghiên cứu phát triển điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực chính, nhân tố cốt lõi để tiến đến phát triển điện hạt nhân.
Trong thời gian đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã được giao nhiệm vụ tập trung nghiên cứu và đào tạo nhân lực về lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Trước hết là học hỏi nghiên cứu thiết kế, phân tích an toàn về một số lò phản ứng; như OPR1000, VVER1000, VVER1200, AP1000 và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực hạt nhân tại Việt Nam, trước hết là với các nước trong khu vực, có trình độ phát triển trung bình như với nước Cộng hòa Ấn Độ.
Ngày 7/3 vừa qua, Đoàn chuyên gia của Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (DAE) đã được mời tới thăm và làm việc tại trụ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ở Hà Nội. Đoàn gồm 4 chuyên gia công nghệ hạt nhân do ông Dinesh Srivastava từ Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (BARC) nổi tiếng dẫn đầu.
Ảnh kỷ niệm cuộc gặp gỡ Đoàn chuyên gia của Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ và cán bộ lãnh đạo Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam |
Tiếp và trao đổi chuyên môn với Đoàn chuyên gia của Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, về phía Việt Nam gồm TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, các cán bộ lãnh đạo các cục, vụ, viện, phòng thí nghiệm ... trực thuộc Viện và các cơ sở khoa học và quản lý, đào tạo và nghiên cứu trong nước. Cuộc gặp gỡ còn có ông Nguyễn Trung Kiên - đại diện KH&CN Việt Nam tại Ấn Độ, ông Rajiv Bodwade - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam...
Giới thiệu về tình hình hoạt động chung của nước mình về mặt chuyên môn, TS Dinesh Srivastava có bài trình bày về Chương trình Năng lượng Nguyên tử của nước mình, với những chi tiết về cơ cấu tổ chức, chính sách hạt nhân, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Ông Pradeep Mukherjee, từ Phòng Thiết kế và Dự án Lò phản ứng nghiên cứu ở BARC, trình bày về sự tiến triển và tác động của Chương trình Lò phản ứng nghiên cứu, trong đó có chi tiết về các giai đoạn của chương trình hạt nhân tại Ấn Độ và giới thiệu chung về các Lò phản ứng nghiên cứu tại Ấn Độ hiện nay (bao gồm cả các lò đang hoạt động và đã ngừng hoạt động).
Những nghiên cứu sử dụng chùm nơtron từ lò phản ứng nghiên cứu đã được ông Krishna, Phòng Vật lý chất rắn của BARC trình bày khái quát.
Bà Sarbani Ghosh Laskar là một giáo sư, bác sĩ chuyên về lĩnh vực xạ trị, đến từ Bệnh viện Tata Memorial đã giới thiệu về tình hình xạ trị tại Ấn Độ nói chung và của Bệnh viện Tata Memorial nói riêng.
Kết thúc buổi làm việc, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN trình bày về Nghiên cứu an toàn trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Việt Nam. Ông Trần Chí Thành cho biết: Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong nghiên cứu phát triển điện hạt nhân và nguồn nhân lực chính là nhân tố cốt lõi để phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam nói chung và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói riêng đã tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực công nghệ hạt nhân, thiết kế, phân tích an toàn một số lò phản ứng (OPR1000, VVER1000, VVER1200, AP1000) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ông Trần Chí Thành khẳng định rằng hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực hạt nhân tại Việt Nam.
Chuyến thăm và làm việc của đoàn chuyên gia năng lượng nguyên tử Ấn Độ kéo dài từ ngày 7 - 9/3/2017. Sau buổi làm việc tại trụ sở chính của Viện, đoàn đã có chuyến thăm quan tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các cơ sở của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (cả phía Bắc và phía Nam), và có buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.
Trần Minh