Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã “rút gọn” hỗ trợ 2%/năm lãi suất, thay vì 4% như đề xuất của Bộ trưởng Tài chính ở kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng

Đề xuất này được rút rất gọn như trên và được nằm ở mục “Giải pháp tài khóa” thay vì “Giải pháp tiền tệ”.

{keywords}
 “Hỗ trợ” lãi suất tạo ra cơ chế xin - cho rất khó kiểm soát giữa các ngân hàng thương mại và bên vay

Đánh giá về giải pháp này, Ủy ban Kinh tế cho biết: “Đa số ý kiến nhất trí”. Tuy nhiên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn.

Cơ quan này cảnh báo thêm: “Kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách”.

Trong thảo luận ở tổ chiều 4/1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường được trích dẫn nói rằng, ước tính khi giải ngân được hỗ trợ lãi suất cho DN, nền kinh tế có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng, “nhưng không phải vay mới mà có thể là vay đảo nợ”.

Có thể thấy, trong văn bản cũng như lời nói từ đại diện cơ quan lập pháp đã có những cảnh báo về rủi ro và hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất mà ít quốc gia nào trên thế giới thực hiện.

Trước hết, lãi suất ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, dù đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước đây, vẫn còn cao so với trong khu vực, làm DN và hàng hóa rất khó cạnh tranh quốc tế. Giảm lãi suất là nhu cầu rất chính đáng, đặc biệt là sau 2 năm kinh tế đình đốn vì tác động của Covid.

Tuy nhiên, “hỗ trợ” lãi suất tạo ra các mặt bằng lãi suất khác nhau và đặc biệt là tạo ra cơ chế “xin - cho” rất khó kiểm soát giữa các ngân hàng thương mại và bên vay. DN nào sẽ được hưởng lãi suất rẻ hơn? Liệu các DN “sân sau” sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn so với các DN khác?

Khi đã “xin - cho” thì rất dẫn đến rủi ro đạo đức, chính sách bị “trục lợi”, thông đồng, mà rốt cuộc vốn vay chỉ chạy loanh quanh trong ngân hàng “đảo nợ”, vốn không ra được khu vực sản xuất, kinh doanh như mục tiêu. Đây là thực tế cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD năm 2009 mà hệ lụy của nó là mất người, mất của trong hệ thống ngân hàng đến nay chưa đo lường hết được.

Ngoài ra, còn hàng loạt các rủi ro khác như bất ổn vĩ mô, lạm phát, tỷ giá… cũng cần được tính toán thêm như Ủy ban Kinh tế cho hay: Đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên. 

DN đang khát vốn, cần dòng tiền ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đợt phong tỏa trong quý 3 vừa rồi.

Họ đang tìm mọi cách, trong đó có phát hành trái phiếu DN - lên đến 21,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, theo ADB. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cũng lên gần 13% trong năm nay, không quá thấp so với các năm trước.

Chính phủ đề nghị gói hỗ trợ lãi suất trong mục chính sách tài khóa thay vì tiền tệ có lẽ có ý khá rõ, tài chính cần triển khai, thực hiện gói này thay vì để bên ngân hàng thương mại. Có lẽ, cần ban hành thêm các tiêu chí, quy định cụ thể.

Phòng ngừa rủi ro lạm phát 

Trong khi đó, rủi ro lạm phát khi nền kinh tế hồi phục, nhập khẩu lạm phát sẽ là vấn đề.

Xin trích dẫn lại ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12/11:

“… Trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có một áp lực rất lớn.

Đối với các nền kinh tế của thế giới thì đã dần phục hồi khi chiến lược tiêm vắc xin bao phủ, cho nên giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng gia tăng. Chúng ta thấy một số chỉ số của các mặt hàng giá, ví dụ giá xăng dầu tháng 9 đã tăng 55,2% so với cuối năm trước hoặc các nước đã phát triển thì lạm phát đã tăng lên ở mức cao nhất trong lịch sử, với Mỹ đã tăng 5,3% trong tháng 9 vừa qua. 

Có thể nói rằng độ mở cửa nền kinh tế của chúng ta rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã lên 200%, nên có áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu, như một đại biểu hôm qua đã phát biểu. Đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới, hiện nay đang dừng việc nới lỏng chính sách tiền tệ và có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Cho nên, có thể nói rằng áp lực lạm phát cũng như áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất lớn.

Đối với thị trường trong nước thì nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Thời gian vừa qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải là tiền từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng thì chắc chắn bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Nếu chúng ta để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. 

Đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước đây. Khi tăng trưởng tín dụng cao và khi chúng ta thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008, nếu như không tính toán cẩn thận cũng đã có rủi ro là lạm phát quay trở lại trong năm 2011, có thời điểm lên đến 18%.

Cho nên, về phía Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động của mình để tiếp tục giảm lãi suất. 

Tuy nhiên, vẫn đảm bảo tỷ lệ đảm bảo an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động lan truyền và cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... để tính toán những gói hỗ trợ lãi suất, làm sao với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý và trên cơ sở vẫn phải đảm bảo các ổn định kinh tế vĩ mô cũng như phòng ngừa rủi ro lạm phát trong thời gian tới và cũng phòng ngừa những rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”.

Tư Giang

Gói hỗ trợ lãi suất và góc nhìn đại biểu

Gói hỗ trợ lãi suất và góc nhìn đại biểu

Thông tin về gói hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu kinh tế cho 2 năm tới nhận được phản ứng nhiều chiều từ các đại biểu Quốc hội, như gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD năm 2009.