- Trong khu tập thể cũ, bên cạnh những nỗi khổ như chật chội, tường vôi ẩm mốc, tróc lở thì một nỗi khổ không nhiều người dám nói ra, ấy là chuyện vệ sinh.

Chị V (Khu tập thể Bách Khoa, Hà Nội) kể: Trong khu tập thể nơi chị sống, mỗi tầng có 12 căn hộ nhưng chỉ có một khu vệ sinh chung. Trong khu vệ sinh ấy người ta thiết kế chia ra làm 4 phòng. 

3 phòng vệ sinh và 1 phòng tắm. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người thì tổng cộng cả tầng có 50 người sinh sống. 50 người chung nhau 1 nhà tắm, 15 người chung nhau một nhà vệ sinh.

{keywords}
Khu nhà vệ sinh chung của 12 căn hộ

“Thống kê ra như thế để thấy rằng, chuyện ấy bất tiện đến thế nào” – chị V nói.

Theo chị V, “Buổi sáng, chỉ vì cái chuyện nhà vệ sinh mà cả tầng cứ nhốn nháo, hò hét inh ỏi, vì ai cũng cần, ai cũng bức bách. Người bên trong chưa xong, người ngoài đã giục giã ầm ĩ. Rồi, cũng vì thế mà bao câu chuyện bi hài, bao câu chuyện giận hờn, bao nhiêu người không thèm nhìn mặt nhau, không thèm nhắc đến tên nhau” – chị V kể.

Vẫn lời chị V, ở tầng của chị, có 2 anh em ruột. Mỗi người ở một căn hộ khác nhau, nhưng cùng được chia sử dụng một nhà vệ sinh. Cách đây 4, 5 năm, cũng vào một buổi sáng, mọi người đều vội vã để đi làm, nhưng không biết vì lý do gì mà ông anh ngồi trong đó khá lâu. Cô em dâu sốt ruột đợi mãi không thấy người bên trong bước ra nên cứ ở ngoài giục. Giục không được thì chị ta quát, rồi chị ta chửi. Tất nhiên, chị ta cũng không biết, người bên trong là anh trai chồng mình.

Một lúc sau, ông anh bước ta, chẳng nói chẳng rằng, nhẩy bổ vào tát em dâu rụng răng. Cô em dâu bù lu bù loa ra, thế là cả 2 nhà nhảy ra đánh chửi nhau. Từ đó đến nay, không ai nhìn mặt ai. Họ cũng cấm luôn con cái họ không được chơi bời, giao lưu, chuyện trò với nhau.

“Lần khác, một bà cụ, cũng vì không đợi được nên đã “bĩnh” ra quần. Thế là, bà ấy không chịu đi thay đồ mà cứ đứng đó chửi. Bà chửi ầm ĩ cả khu tập thể khiến người hàng xóm ở bên trong không dám bước ra vì xấu hổ.

Từ đó, con cái của bà phải mua sẵn cho bà cái bô để bà sử dụng" - chị V nói. Mà không riêng gì bà, hầu hết các hộ trong khu tập thể này đều phải dự phòng một chiếc bô để sử dụng trong trường hợp cấp thiết.

Còn nếu không dùng bô thì phải có những phương án khác. ví như ông chồng mình, ông ấy  tuyệt đối không bao giờ đi vệ sinh ở nhà, mà nói đúng ra là không đến lượt đi vệ sinh ở nhà, nên ngày nào cũng vậy, lão ấy đều phải tận dụng tắm rửa, vệ sinh ở cơ quan” – chị V hài hước nói.

Đội nón, mặc áo mưa mỗi lần vào nhà vệ sinh

{keywords}
Mỗi lần đi vệ sinh, nhiều người dân ở đây phải đội nón, thậm chí mặc áo mưa để tránh bị dột

Vẫn quay quanh câu chuyện bi hài, ở một khu tập thể khác ở quận Ba Đình (Hà Nội), bà V cứ chìa bàn tay của mình ra. Bà bảo, tay bà đã gãy không biết bao nhiêu lần, xương bị trồi cả ra, chỉ vì cái nhà vệ sinh.

Theo bà V, vì nhà vệ sinh chung của khu tập thể luôn có tình trạng thấm nước, dột nước, ngồi trong phòng cứ như ngồi ngoài trời mưa nên lần nào đi vệ sinh, bà cũng phải đội nón, mặc áo mưa. Mà đối với người già, việc mặc áo mưa lùm xùm, đi lại trơn trượt thì chuyện bị ngã cũng là thường tình.

Bà bảo “Mỗi sáng, chờ đến lượt mình đi vệ sinh đã khổ, vào nhà vệ sinh còn khổ hơn. Nước ở nhà vệ sinh tầng trên cứ ngấm xuống, rơi lộp độp vào đầu, vào người.

Chúng tôi đã phải làm miếng che để che trên nóc nhà vệ sinh nhưng không ăn thua. Tôi sợ bẩn, sợ nước ngấm vào người nên cứ vào là tôi phải mặc áo mưa, đội nón. Vì thế, tôi ngã và phải bó bột không biết bao nhiêu lần.

Các con tôi bảo tôi nên đi vệ sinh vào bô, nhưng tôi chưa già đến mức đó. Chỉ có điều cứ sống thế này thì khổ quá”.

Minh Anh – Ngọc Trang

(còn nữa)