- Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT thì việc Bộ gom dữ liệu các trường để thực hiện xét tuyển với một phần mềm chung là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu.

Để xét tuyển chung, Bộ đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả ĐKXT năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Ông Trinh cho biết kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật. Với phương thức xét tuyển chung, thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình.

Người lạc quan

Ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc sử dụng phần mềm chung xét tuyển, năm ngoái Bộ đã làm. Vấn đề của phần mềm này là khi có hồ sơ phần mềm sẽ tự động lọc số trường. Từ số thí sinh không được tuyển sẽ ra số được tuyển.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
“Phần mềm xét tuyển có phần chung là loại trừ hồ sơ đã nộp, vì vậy chuyện thí sinh ảo sẽ hạn chế được phần nào. Ngoài ra, phần mềm này cũng rất giản đơn, thậm chí một số trường tự làm được, ngay cả trường tôi nếu được làm cũng sẽ làm được. Năm ngoái chúng tôi đã sử dụng và ra điểm dự kiến trúng tuyển hàng ngày. Vấn đề các trường quan tâm hiện nay là việc sử dụng chung dữ liệu” – ông Hồng nói

Theo ông Hồng, năm nay Bộ GD-ĐT đã giao các trường ĐH tổ chức kì thi THPT quốc gia tự công bố điểm, không sử dụng phần mềm công bố chung của Bộ. Vì vậy mọi vấn đề sẽ đơn giản và gọn nhẹ hơn năm ngoái nên không có lo lắng về CNTT.

Trong khi đó, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng có nghe qua phần mềm xét tuyển chung nhưng phải chờ định hướng, hướng dẫn cụ thể của Bộ mới đánh giá được có trục trặc hay thuận lợi.

Theo ông Thông, chắc chắc việc dùng phần mềm này sẽ hoàn toàn khác với năm ngoái. “Khi Bộ làm như vậy sẽ kiểm soát hết việc trúng tuyển. Nhưng do chưa có hướng dẫn chi tiết nên tôi chưa định hình được”.

Ông Thông đề nghị, nếu Bộ dùng phần mềm xét tuyển chung phải triển khai nhanh vì thời gian bước vào tuyển sinh đã cận kề. Nhiều trường đã chuẩn bị phương án riêng. Đồng thời phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, tránh làm trường bối rối.

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm thì đưa ý kiến “Phần mềm dùng chung sẽ có hiệu quả là các trường đỡ mất công, mất thời gian thực hiện. Thứ hai là giảm các vấn đề liên quan đến ảo. Thứ ba, là chuyện này đã làm rồi nên không phải lo lắng”.

Nhận định rằng phần mềm này cũng không ảnh hưởng đến nghẽn mạng hay đường truyền vì các dữ liệu đăng ký là offline, ông Sơn cho rằng như vậy sẽ không có hiện tượng chạy ra, chạy vào như năm ngoái.

“Nhưng tôi còn băn khoăn là một số trường sử dụng điều kiện phụ như điểm Anh văn, điểm các môn chính, điểm thi năng khiếu hoặc trường có đề án xét tuyển quá phức tạp, quá nhiều tổ hợp môn... sẽ xét tuyển như thế nào?”…

Kẻ lo ngại

Tuy nhiên, khi đề cập tới phần kỹ thuật, ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ lại bày tỏ nỗi lo về việc khi đưa dữ liệu vào sẽ bị sập mạng, tạo sự rắc rối không cần thiết.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
“Các trường tự có thế mạnh CNTT của mình. Tập trung về Bộ là bỏ hết khả năng CNTT của trường. Năm trước đã xảy ra việc sập mạng, nên tôi thực sự không hiểu tại sao năm nay Bộ lại làm như vậy? Tại sao tất cả các trường đều có hệ thống CNTT mà không để cho trường sử dụng? Bộ có dám đảm bảo hệ thống đủ mạnh để không để xảy ra những sự cố về CNTT không?” – ông Xê đặt câu hỏi.

Theo ông, lẽ ra Bộ có thể giải quyết đơn giản hơn. “Nếu như năm trước thí sinh có phiếu điểm, mang đến trường để tự nộp nên có phiền phức, rắc rối như đã thấy thì năm nay, muốn giải quyết những hạn chế đó, Bộ chỉ việc đưa cơ sở dữ liệu điểm thi lên server, các trường tự lấy lại thông tin. Thí sinh muốn xét tuyển chỉ cần đưa số báo danh là trường có thể tự lấy được thông tin để xét".

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM lại băn khoăn về việc xảy ra sự vi phạm quyền lợi của thí sinh nếu xét tuyển chung. “Năm trước thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT với 4 nguyện vọng nhưng chỉ vào một trường, như vậy có thể nói thí sinh đã nộp hồ sơ tức là thí sinh của trường mình, không được NV1 thì xuống NV2, NV3… Nhưng năm nay thí sinh được ĐKXT vào hai trường, tức là nếu trúng tuyển cả hai, các em có thể lựa chọn vào học trường này hoặc trường kia ở phút chót tùy thuộc mong muốn và điều kiện gia đình.

Tôi không hiểu nếu xét tuyển chung Bộ giải quyết việc này như thế nào, vì việc chọn trường là quyền lợi của thí sinh, không chỉ đơn thuần là trúng nguyện vọng này rồi thì gạt bỏ các nguyện vọng khác”...

Đồng tình với những lo ngại trên, một chuyên gia CNTT khẳng định: Về nguyên tắc là làm được, nhưng muốn vậy thì “quân lệnh” phải “như sơn”.

Vị chuyên gia này phân tích: “Ưu điểm của phương thức xét tuyển này là không ai phải chạy đi đâu cả, cứ ngồi một chỗ là xét được. Ai trúng tuyển ở chỗ nào là hiện lên luôn, có thể cắt luôn các nguyện vọng xét tuyển còn lại.

Để thực hiện, cả trường và thí sinh đều không được “bập bùng”. Thí sinh khi đã nhấn nút chọn nguyện vọng là khóa luôn dữ liệu, không thể đăng ký trường khác nữa”.

Nhưng vấn đề ở chỗ phải yêu cầu thí sinh khi nhấn nút chọn là chốt luôn. “Được cái này mất cái kia, nhanh gọn thì mất thời gian cân nhắc lưỡng lự của thí sinh” – vị này nhận xét.

Chia sẻ kỹ hơn, chuyên gia này cho rằng theo nguyên lý thì có thuật toán giải được bài toán xét tuyển này. “Nhưng bài toán – mà người ta hay ví von là “bài toán se duyên” – dù đúng nhưng lại thiếu thực tiễn” – ông nhận xét.

Cụ thể, bài toán đó chưa tính thời gian và địa điểm, mới chỉ là tổ hợp giữa một đám đàn ông và đàn bà – tức là giữa các trường với nguyện vọng của thí sinh. 
 
Thực tế là không ai đi tổ chức cả triệu đám cưới trong vòng chỉ có một tháng, xếp hàng chờ làm đám cưới trong chừng đấy thời gian. Bài toán "đám cưới" phải phân tán cả về thời gian và địa điểm, không ai tập trung về thời gian và không gian như thế cả, vì việc “vỡ trận” rất dễ xảy ra”.

Vấn đề thứ hai, theo vị chuyên gia, nếu làm tập trung, tại cùng một thời điểm số lượng truy cập tăng vọt là rất lớn.

Để đáp ứng được số lượng truy cập lên tới vài triệu lượt ở một thời điểm – bao gồm thí sinh, phụ huynh, người thân, bạn bè cùng vào… - thì chỉ có các công ty games là làm được vì hạ tầng máy chủ có những lúc đỉnh điểm lên tới vài triệu người chơi. 

"Không biết Bộ đã diễn tập như thế nào. Làm được thì tốt nhưng khâu chuẩn bị và tư duy phải thật sự mạch lạc. Bởi nếu không khéo lại thành ra “ôm rơm nặng bụng”…” – vị này quan sát.

  • Ngân Anh – Lê Huyền