Tranh khỏa thân luôn có sự cuốn hút riêng với cả giới hoạ sĩ lẫn người thưởng lãm trong nhiều thế kỷ, nó đã xuất hiện ở nhiều trường phái, là một trong những chủ đề lớn của hội hoạ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép, định kiến của công chúng, sự khác biệt văn hoá... là những lý do khiến loại hình nghệ thuật này vẫn quẩn quanh trong bóng tối. VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài nêu lên ý kiến của những người trong cuộc với góc nhìn đa chiều về thực trạng, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Tranh khỏa thân (tranh nude) từ lâu là chủ đề gây chú ý, chứa đựng giá trị, sức hút với cả nghệ sĩ lẫn công chúng.
Dẫu có nhiều ý kiến trái chiều, người thích kẻ không, nhưng loại tranh này luôn mang tính thử thách, gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ theo đuổi con đường hội họa.
Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm
Tranh khỏa thân sở dĩ lôi cuốn bởi đây là một cách nhìn nghệ thuật về thân thể con người. Việc tôn vinh cái đẹp hình thể tự nhiên nhất, không che đậy là yếu tố gây sự tò mò và phấn khích mê hoặc người xem.
Tranh khỏa thân được đánh giá là chủ đề mạo hiểm, phiêu lưu với cả người sáng tác lẫn giới thưởng lãm. Trong nhiều thế kỷ, đề tài này luôn đứng giữa lằn ranh tranh cãi. Yếu tố nghệ thuật - phi nghệ thuật hay tôn vinh cái đẹp - phản cảm tựa như sợi chỉ rất mong manh. Có tác phẩm được ngợi ca và không hiếm bức tranh bị phản ứng, tẩy chay gay gắt, thậm chí phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam, thị trường của dòng tranh này được đánh giá là hẹp và còn nhiều điểm nghẽn, trong đó phần lớn xuất phát từ rào cản của giới kiểm duyệt, định kiến của người xem.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận định dòng tranh nude vốn quen thuộc với hội họa thế giới, đặc biệt thịnh hành phát triển ở châu Âu. Từ nghìn năm nay, dù là phương Tây cởi mở, hay phương Đông truyền thống cũng không thiếu tác phẩm, tác giả vẽ xuất sắc loại hình này.
Thế nhưng, câu chuyện bình thường ở trời Tây lại là điều bất thường ở xứ ta. Điều này xuất phát bởi cảm nhận, đánh giá của từng người. Mà đã thuộc về yếu tố cảm xúc thì khó nói ai cảm nhận đúng, ai cảm nhận sai...
Những cảm quan cá nhân trên dễ dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình sáng tác cũng như đón nhận. Trong khi đó, họa sĩ - cha đẻ tác phẩm lại cho rằng các tác phẩm đều mang tính nghệ thuật, “thanh chứ không tục”. Họ muốn công chúng tập trung vào câu chuyện, thông điệp tích cực ở tranh muốn truyền tải, thay vì cứ chăm chăm vào hình thể, bộ phận sinh dục.
“Tôi nghĩ xuất phát phần nhiều bởi quan niệm cũ, hiểu sai, hiểu lệch mà vô tình hình thành nên rào cản với tranh nude. Các định kiến này kéo dài, mãi không được tháo gỡ vô tình khiến dòng tranh này bị đánh đồng với sự dung tục”, ông cho biết.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi - người có nhiều năm theo dõi thị trường tranh Việt Nam đánh giá sẽ còn rất lâu nữa, công chúng trong nước mới có thể phá vỡ rào cản của sự e ngại để thưởng thức tranh khỏa thân một cách thoải mái.
Theo ông Khôi, tranh khỏa thân lúc nào cũng chứa đựng yếu tố nhục cảm. Người nhìn tranh bằng đôi mắt trần tục thì tất nhiên nó sẽ tầm thường, không có giá trị hội họa. Còn nếu vượt thoát khỏi yếu tố thân xác, thì tất nhiên sẽ có cái nhìn khác về tác phẩm.
Một bức tranh khỏa thân, suy cho cùng là tôn vinh con người, quay về với sự khởi nguyên để tìm kiếm nét chân phương, mộc mạc nhất qua lăng kính hội họa.
“Thực tế, cứ nhắc đến tranh nude, phần lớn mọi người mặc định, liên tưởng ngay đến yếu tố dung tục. Tuy nhiên, với người trong nghề như chúng tôi, loại hình này không phải nhìn qua loa bằng mắt để nhận xét, mà trên hết phải “cảm” và hiểu được nó. Mà được như thế, rất cần sự giáo dục, định hướng. Đây là câu chuyện đường dài còn lắm gian nan”, ông chia sẻ.
Bao giờ tranh nude mới được “cởi trói”?
“Cảm xúc” - yếu tố được đề cao trong sáng tạo đôi khi trở thành rào cản với quá trình tiếp nhận nghệ thuật. Chính sự mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung mà nhiều tác phẩm mãi bị cất kho, hoặc nặng hơn phải tiêu hủy.
Giới hoạ sĩ có những bức xúc, nỗi niềm riêng, cho rằng lý do này không thỏa đáng. Trong khi đó, công chúng mất đi cơ hội thưởng lãm tác phẩm, từ đó khiến khái niệm "tranh nude" càng thêm xa vời.
Giới chuyên môn có chung nhận định cơ quan kiểm duyệt đôi khi phụ thuộc vào tâm lý, thậm chí là cảm hứng chủ quan của người duyệt. Dễ thấy, yếu tố dung tục được các nhà quản lý mang ra để không cấp phép, “cấm cửa” các cuộc triển lãm nude. Dẫu vậy, tính cụ thể, minh bạch việc thế nào là dung tục, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn bỏ ngỏ.
Nhiều họa sĩ vì tiếc nuối, mong các đứa con tinh thần của bản thân được ra mắt nên tìm nhiều cách để "vượt rào". Họ thậm chí nhờ một số salon quen, quán cà phê để mong có cơ hội trưng bày.
Theo giám tuyển Lý Đợi, Việt Nam không phải là đất nước thuần tôn giáo. Tuy nhiên, việc ứng xử đối với một số trường hợp triển lãm tranh khỏa thân lại hà khắc và khá nặng nề.
“Chúng tôi hay nói vui thường các vụ án tranh cãi đề tài khỏa thân xuất phát ban đầu không từ số đông. Song khi có 1 cá nhân nào đó lên tiếng chỉ trích, cộng đồng sẽ lập tức chú ý và bay vào đánh tơi tả. Ở Việt Nam có 2 loại tranh mệt mỏi nhất, một là đề tài khỏa thân, hai là mang tính chất chính trị”, anh nói.
Nhiều trường hợp họa sĩ lâm cảnh “dở khóc dở cười” vì bị từ chối xin cấp phép triển lãm, phát hành tranh với muôn vàn lý do.
Không ít câu chuyện họa sĩ đã nộp hồ sơ xin phép nhưng sở này duyệt, qua sở khác lại bị lắc đầu. Hay trường hợp buổi sáng đã duyệt, buổi chiều lại từ chối cấp phép, yêu cầu bỏ bức này, bức kia. Nhiều trường hợp bị cấm, ngưng triển lãm ở sát giờ khai mạc triển lãm chỉ vì lý do “không phù hợp”.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn - một trong những gương mặt theo đuổi dòng tranh lụa khỏa thân - nhận định họa sĩ vẽ đề tài khỏa thân hay đề tài nào khác thì ý niệm đầu tiên là muốn vượt qua và thử thách giới hạn của bản thân.
Còn việc nhìn nhận về khỏa thân là nghệ thuật hay dung tục thì phụ thuộc rất lớn vào khiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân, quy chuẩn đạo đức của thời đại, các lề luật có liên quan…
Bùi Tiến Tuấn cho rằng việc tranh cãi trong một vấn đề là điều không hề mới mẻ và nó luôn cần thiết để hâm nóng bầu không khí nghệ thuật xưa nay.
Suy cho cùng, nghệ thuật là để chống lại sự lãng quên. Thế nên, mâu thuẫn về ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật trong tranh khỏa thân phải xét ở một tác phẩm cụ thể, từng trường hợp được xác định rõ ràng.
“Với họa sĩ, định kiến của đám đông nếu có thì chỉ nên xem đó như một động lực phải vượt qua chứ không phải né tránh đi đường vòng”, hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn nhận định.
Câu chuyện tranh khỏa thân trong hội họa có lẽ còn kéo dài với vô số hoài nghi, lạ lẫm và phân biệt. Nhiều người mong đợi loại hình này sẽ được đối xử bình đẳng hơn.
Họa sĩ có quyền sáng tạo, nung nấu đứa con tinh thần, còn người xem đón nhận một cách thoải mái, văn minh. Tất cả điều này làm được khi và chỉ khi có một sự công nhận của số đông, thay vì dè dặt như suốt thời gian qua.
Ảnh: NVCC, tư liệu
Mời độc giả đón đọc bài 2: 'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'