Sau gần 40 năm “chu du” ở nước ngoài, lần đầu tiên một số bức tranh quý của các danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái đã được họa sỹ Văn Dương Thành mang về triển lãm tại Việt Nam (V- art club, 75 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, từ 11/7 đến 25/7).

{keywords}

Họa sỹ Văn Dương Thành bên những bức tranh quý của các danh họa Việt Nam.

Những bức họa được triển lãm tại đây, phần nhiều là chân dung do Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành. Bức sơn dầu “Dịu dàng” Bùi Xuân Phái vẽ  năm 1974 và bức sơn dầu “VDT áo đỏ” vẽ năm 1975 trông màu sắc khá tươi mới dù bức tranh đã có tuổi đời 40 năm. Những bức tranh có tuổi đời lâu nhất tại triển lãm này có thể kể đến bức “Cô gái miền Nam” mà Bùi Xuân Phái vẽ năm 1960 hay bức ký họa “Ở Thanh Hóa” năm 1965. Sở dĩ những bức tranh giữ được màu sắc như vậy vì chị mua ngay khi tranh mới vẽ xong và gửi bảo hiểm ở nước ngoài.

Nhưng có lẽ bức tranh quý nhất của triển lãm này phải kể đến bức sơn mài “Điệu múa cổ” (Village Traditional Dance) của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bức tranh được trưng bày lần đầu tiên tại bảo tàng Louvre của Pháp năm 1999 và được Văn Dương Thành cất giữ như báu vật. Chị cho biết: “Bức tranh này rất quý và độc đáo. Màu tranh rất êm dịu nhờ kỹ thuật sơn mài điêu luyện, lót vàng 24 karat ở dưới rất kín đáo. Họa sỹ Văn Dương Thành tiết lộ, chị nhận được khá nhiều lời mượn bức tranh này để trưng bày, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng chị còn đang cân nhắc các vấn đề liên quan đến công ty bảo hiểm tranh ở Thụy Điển, nơi chị đã đăng ký bảo hiểm bức tranh này suốt mấy chục năm qua.

Họa sỹ Văn Dương Thành nói, thời trẻ chị có may mắn được tiếp xúc và vẽ Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm và cũng may mắn được họ vẽ chị. Chị được Bùi Xuân Phái vẽ nhiều nhất với hơn 300 bức trong suốt 21 năm. Một nhà sưu tập tranh người Na Uy đã từng làm cuốn sách 300 bức ký họa chân dung đó và xuất bản ở nước ngoài. Chị nhớ lại: “Thời gian đầu, Bùi Xuân Phái vẽ tôi và tôi vẽ Bùi Xuân Phái. Sau tôi quen thuộc đến nỗi bác chẳng cần tôi ngồi làm mẫu, mà có thể tưởng tượng để vẽ…”

Văn Dương Thành cho biết thêm, thực ra mọi người cứ nghĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh phố nhiều, nhưng có lẽ ít người biết, ông đã vẽ hàng ngàn bức chân dung, trong đó vẽ vợ và con gái rất nhiều.

Tôi thắc mắc: “Thời đó chắc chị phải là người đàn bà đẹp?” Chị cười xua tay: “Không hề. Bởi lẽ, người đẹp ngoài đời khác với người đẹp trong tranh”.

Về cơ duyên sở hữu nhiều bức tranh quý của các danh họa, Văn Dương Thành cho biết, năm 1974, khi mới ngoài 20 tuổi, chị đã có tác phẩm “Hoa sen trắng” được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua với giá 300 đồng, một khoản tiền khá lớn nếu so với lương kỹ sư lúc bấy giờ là 30 đồng/tháng. Khi đó, chị nhớ đến các họa sỹ bậc thầy, những người chị trân trọng và quý mến nhưng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, chị mua cân đường, hộp sữa, bao thuốc lá Trường Sơn hay chai rượu Vân đến biếu họ như là món quà nhỏ cho những bức ký họa mà họ dành cho chị.

Với những bức tranh này, chị đến chơi, nói xin phép mua. Thực ra, thày trò quý nhau, chị xin phép được giữ, chứ lúc đó giá tranh của họ cũng không hề rẻ. Rồi sau này thành danh, có nhiều tiền, chị đã mua lại những bức tranh họ vừa vẽ xong. Và chị từ chối tiết lộ giá tiền mà chị mua, chỉ biết rằng có bức như “Điệu múa cổ” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, chị đã bỏ ra một số tiền kha khá.

Theo Tiền Phong