- Bị đơn trong vụ kiên dân sự kéo dài hơn 40 năm, ông Trần Sâm, đại diện gia đình đã rất bất ngờ trước bản kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC, dù gia đình ông đã thi hành bản án phúc thẩm của TANDTP Hà Nội gần một năm trước.
Căn cứ một chiều?
Theo bản Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2015/KN-DS của VKSNDTC kháng nghị hủy bản án phúc thẩm nêu trên của TAND thành phố Hà Nội để giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ: Diện tích cho thuê nhà 13m2 chỉ là diện tích nhà ở, nguyên đơn khai hợp đồng chỉ ghi diện tích nhà ở nhưng khuôn viên sau và cạnh nhà có thêm khoảng đất trống để làm sân phơi và nơi đun củi.
Khu đất rộng 13m2 tranh chấp hơn 40 năm tại quận Tây Hồ, Hà Nội. |
Bản án dân sự phúc thẩm số 429 năm 1976 có nêu “ngôi nhà 115 phố Yên Thái khoảng 20m2 thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Bé”; biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 02/8/2013 và Biên bản định giá ngày 15/8/2013 diện tích thực tế là 18,36m2; nguyên đơn khai nhà đất trước khi cho thuê có tường bao ranh giới với các hộ xung quanh, bị đơn thừa nhận tại Biên bản định giá gia đình sử dụng từ đời ông nội đến đời ông Sâm nhà đã cũ, từ đó đến nay không làm lại, không tranh chấp, ranh giới được xác định cụ thể. Quá trình giải quyết vụ án, Bị đơn không xuất trình được tài liệu chứng minh cơi nới thêm đất…
Ông Trần Sâm bức xúc: “Những căn cứ, nhận định để kháng nghị nêu trên đều không có cơ sở và trái quy định của pháp luật. VKSND tối cao đồng ý quan điểm của nguyên đơn về diện tích cho thuê nhà là 13m2, ngoài ra còn có diện tích đất làm sân và nơi đun củi là không đúng thực tế khách quan, mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Thời điểm cụ Bé (mẹ nguyên đơn) cho ông nội tôi thuê thì đó chỉ là cửa hàng buốn bán nhỏ, không phải nơi ở mà có bếp đun, sân hay công trình phụ bởi vì cụ Bé có nhà ở rộng rãi trong làng Yên Thái, không ở đây. Hợp đồng thuê nhà được giao kết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Phòng quản lý nhà đất khu phố Ba Đình (thuộc Ủy ban hành chính khu phố Ba Đình), đã đăng ký đúng quy định thời điểm đó. Trong hợp đồng chỉ ghi đúng diện tích thuê là 13m2 và không quy định thêm bất kỳ diện tích thuê nào khác ngoài diện tích nhà cho thuê.
Do đó, cần xác định đúng giao dịch nhà cho thuê khi đó gắn với đất thuê đều chỉ là 13m2. Tường bao ranh giới các hộ xung quanh mà VKSNDTC lấy làm căn cứ kháng nghị chỉ dựa theo lời khai vô căn cứ của nguyên đơn.
Thực tế khách quan, một phần tường do bố ông Sâm xây (theo đơn xin làm cống thoát nước và xây bịt phía sau được UBND phường Bưởi xác nhận ngày 04/9/1984), một phần tường còn lại do hộ ông Nguyễn Vũ Hậu ở số nhà 591 Thụy Khuê xây dựng sau khi ông Hậu đòi lại được đất của xưởng sản xuất giấy vào khoảng năm 1980.
“Kháng nghị giám đốc thẩm không thấu lý, hợp tình”
Góc độ pháp lý, Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Mấu chốt của vụ án này là diện tích cho thuê 13m2 hay khoảng 20m2. VKSND tối cao dựa vào Bản án dân sự phúc thẩm số 429 năm 1976 có nêu “ngôi nhà 115 phố Yên Thái khoảng 20m2 thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Bé” để xác định diện tích nhà đất khoảng 20m2 là không phù hợp, mâu thuẫn với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Bởi lẽ bản án chỉ nêu “khoảng” chứ không nêu chính xác, mâu thuẫn với chính bản khai của cụ Bé tại Phòng quản lý công trình công cộng - ủy ban hành chính khu Ba Đình ngày 31/10/1974 về việc“tôi cho ông Trần Văn Đán thuê ngôi nhà gạch 2 tầng diện tích 13m2 giá 4,60đ”.
Ảnh chụp phía sau nhà
thể hiện phần diện tích đất trống cơi nới, mở rộng trên lối đi chung phân chia
giữa các hộ mặt phố Thụy Khuê, xưởng sản xuất giấy và các hộ phía sau, có tường
gạch xây ngăn ranh giới các hộ xung quanh làm khu phụ, ngăn cách căn nhà thuê
của gia đình cụ Bé
Đặc biệt hơn là thời điểm năm 1976, nhà cho thuê đã được gia đình ông Sâm sử dụng hàng chục năm; từ đời ông nội và bố ông Sâm đã có sự cơi nới, mở rộng ngoài diện tích nhà thuê là phần diện tích đất phía sau để làm công trình phụ, bếp đun rồi. Diện tích tăng lên đã thể hiện rõ trong các tài liệu do ông Sâm xuất trình cho Tòa án (Đơn ông Trần Văn Sách viết ngày 07/7/1984 gửi UBND phường Bưởi và được UBND phường này xác nhận ngày 04/9/1984, Văn bản số 222/UBND-ĐC ngày 28/10/2013 của UBND phường Bưởi, Biên bản xác định mốc giới theo hiện trạng sử dụng đất ngày 14/11/1997 tại UBND phường Bưởi, các biên lai nộp thuế đất, các tài liệu chứng cứ về sửa chữa nhà, cơi nới, cải tạo mở rộng xây dựng bếp, nhà vệ sinh; Bản ảnh chụp phần diện tích cơi nới, mở rộng không thuộc diện tích nhà đất thuê…
Một chứng khác quan trọng chứng minh diện tích nhà thuê chỉ có 13m2 thể hiện tại công văn số 143 ngày 10/4/2014 của Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên môi trường cung cấp thể hiện thửa đất số 269 đứng tên cụ Vũ Duy Tốn (chồng cụ Bé) có diện tích 14m2. Đây là thông tin cung cấp về diện tích đất, không phải diện tích nhà, như vậy thửa đất thời điểm cho thuê không phải 20m2.
Sau hàng chục năm gia đình ông Sâm sử dụng thì đã cơi nới, mở rộng lên 20m2 nên đến năm 1976 cụ Bé đi kiện thì diện tích đã có sự gia tăng, do vậy, thời điểm năm 1976 bản án của Tòa án Hà Nội nêu diện tích khoảng 20m2 phần nào đã chứng minh việc cơi nới, mở rộng diện tích đất của gia đình bị đơn so với diện tích nhà đất thuê năm 1966.
Về Kháng nghị GĐT của VKSNDTC, luật sư Trần Hồng Phúc nhận định không thấu lý và chưa hợp tình. Luật sư này cho rằng, Bản án số 74/2014/DSPT ngày 7 và 14/4/2014 của TAND TP. Hà Nội không chỉ chứa đựng lẽ công bằng mà còn mang ý nghĩa đạo đức xã hội rất lớn khi tuyên buộc gia đình ông Sâm phải trả tiền cho nguyên đơn tương ứng diện tích thuê nhà 13m2. Điều này có nghĩa là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nhưng chỉ khác là không trả bằng hiện vật mà trả bằng tiền.
Lý do không trả bằng hiện vật là do gia đình ông Sâm đã cơi nơi, tu tạo tài sản, mở rộng trong quá trình sử dụng với diện tích rộng hơn diện tích nhà thuê trước đây của gia đình nguyên đơn, phần diện tích đất này đã chiếm hữu ngay tình trên 40 năm. Mặt khác, gia đình ông Sâm đã không còn nơi ở nào khác. Đồng thời, việc tuyên án không trả lại nhà là đúng chính sách pháp luật tại Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/1/1999 (hiện đang còn hiệu lực) hướng dẫn một số quy định tại nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) “Việc VKSNDTC kháng nghị GĐT hủy bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ là trái luật vì tại điểm a khoản 1 Mục III Thông tư liên tịch số 01nêu trên quy định đối với quan hệ tranh chấp xác định là thuê nhà ở liên quan đến tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở giữa cá nhân với cá nhân nêu rõ chỉ có 03 (ba) trường hợp để Tòa án xử cho Bên cho thuê được lấy lại nhà thuê là: 1)Bên thuê nhà đã có chỗ ở khác; 2)Bên thuê nhà có điều kiện tạo lập chỗ ở khác 3)hoặc bên cho thuê nhà tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê nhà có chỗ ở khác”. |
Thái Bình