Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông có nguy cơ đe dọa làm chệch hướng Thế kỷ châu Á.

Châu Á thế kỷ 21 hoàn toàn có thể xảy ra những biến cố giống như vụ ám sát hoàng tử Áo Ferdinand, sự kiện châm ngòi cho Đại chiến thế giới thứ nhất. Căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông đe dọa phá vỡ Thế kỷ được dự báo là của châu Á này. Chưa rõ kết quả sẽ ra sao, nhưng ở đây rõ ràng không chỉ tồn tại những chủ nghĩa dân tộc đang đấu tranh với nhau, những vết sẹo còn hằn sâu trong ký ức mỗi quốc gia và sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng hung hăng đằng sau những xung đột lợi ích.

Với nhiều người, tất cả là vì dầu mỏ: quan điểm được nhiều người chia sẻ là dưới các vùng biển tranh chấp này chứa đựng một kho báu dầu khí có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của tất cả các nền kinh tế châu Á năng động.

Thế nhưng thật trớ trêu khi vẫn chưa hề có một cơ sở nào khẳng định suy nghĩ phổ biến này. Trên thực tế, người chiến thắng trong các tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông cũng khó có khả năng kiếm được nhiều năng lượng đủ để tạo sự khác biệt đáng kể cho nhu cầu năng lượng ngày một lớn của mình. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Trung Quốc. Trong bất kỳ tình huống nào, việc khai thác nguồn tài nguyên nào đang tồn tại sẽ đòi hỏi sự chắc chắn và ổn định cao về pháp lý cũng như chính trị.

Căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ lên xuống như thủy triều những năm gần đây. Kể từ năm 1974, khi Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khiến 18 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong cuộc giao đấu, đã xảy ra hơn 20 cuộc đụng độ quân sự trên Biển Đông. Đa số các vụ việc xảy ra trong những năm 1990, sau đó là giai đoạn tương đối trầm lắng cho tới gần đây. Mặc dù Trung Quốc đã ký và thông qua Điều ước Luật Biển (LOS), sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc lại dựa trên căn cứ đi ngược lại với điều ước này. "Đường chín đoạn" của họ bao gồm hơn 80% Biển Đông, đi quá xa so với phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hỉ lý được Điều ước công nhận.

Một nhân tố mới có thể làm gia tăng rủi ro trong tranh chấp là những tiến bộ không ngừng của công nghệ khoan biển sâu. Cho tới những năm 1990, gần như không có giàn khoan dầu khí ngoài khơi nào có thể hoạt động tại các mỏ sâu hơn 304m. Trong 2 thập niên trở lại đây, nguồn dầu tăng trên khắp thế giới có được nhờ công nghệ khoan "siêu sâu" - với độ sâu tới 1.500m. Cho đến gần đây, công nghệ này vẫn chỉ giới hạn chủ yếu trong các công ty năng lượng đa quốc gia lớn của phương Tây. Sau đó, tháng 5 năm ngoái, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố phát triển thành công giàn khoan dầu nước sâu với chi phí chỉ xấp xỉ 1 tỷ USD, có khả năng hút dầu ở độ sâu 12.000m.

Đến nay, vẫn chưa có khảo sát chính thức nào về tiềm năng dầu khí tại Biển Đông hay Hoa Đông. Ước tính của Trung Quốc về trữ lượng dầu khí ở cả hai khu vực tranh chấp xem ra quá phóng đại so với số liệu của các công ty năng lượng đa quốc gia lớn và nhiều nhà phân tích khác. Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu ở biển Hoa Đông là 160 tỷ thùng, gần gấp đôi con số ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Về trữ lượng Biển Đông - theo đa số các chuyên gia, khoảng 70% là khí gas - Trung Quốc cũng khẳng định con số cao hơn nhiều. CNOOC ước tính có khoảng 213 tỷ thùng dầu - gần bằng quy mô trữ lượng đã kiểm chứng của Ả-rập Xê-út. Con số này cao gần gấp 12 lần ước tính của Cơ quan Địa chất Mỹ, và hãng tư vấn năng lượng Wood-Mackenzie nhận định có tổng cộng 2,5 tỷ thùng quy dầu khí đã kiểm chứng ở các đảo và bãi ngầm thuộc Biển Đông - tức là thấp hơn gần 100 lần so với khẳng định của Trung Quốc!

Ngoại trừ Trung Quốc và các doanh nghiệp nước này đã thực hiện các dự án khai thác chung với các công ty nước ngoài, nhiều quốc gia Đông Á đang tìm cách khai thác nguồn tài nguyên tại các đảo và bãi đá tranh chấp cũng cần hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, nhiều bên tranh chấp trong ASEAN tại Biển Đông đã ký các hợp đồng thăm dò dầu với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, rủi ro chính trị và thiếu pháp lý vững chắc tại các lãnh thổ tranh chấp khiến họ khó nhận được những khoản đầu tư quy mô lớn.

Theo tác giả, hợp lý nhất vẫn sẽ là chính sách mà Trung Quốc đã theo đuổi cho tới gần đây, như sáng kiến của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, "gác tranh chấp, cùng khai thác". Tuy nhiên, trước thực tế quá trình ra quyết sách thiếu rõ ràng của Trung Quốc, không khó để đưa ra nhận định rằng sự kết hợp giữa tham vọng hải quân, chính sách tài nguyên mang màu sắc chủ nghĩa trọng thương, và niềm tin quá lớn vào nguồn năng lượng và năng lực công nghệ dầu khí mới có thể sẽ thúc đẩy Trung Quốc từ bỏ đường lối chính sách trên của Đặng Tiểu Bình.

Điều mỉa mai là, Đặng Tiểu Bình đã nói đúng. Rất khó có thể tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp: Làm sao các quốc gia có thể nhượng bộ danh dự quốc gia và bỏ qua các ký ức lịch sử? Và cũng rất khó xây dựng một sự ổn định pháp lý và chính trị để giảm thiểu rủi ro, cho phép các công ty năng lượng toàn cầu tiến hành những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD. Đa số các hợp đồng thăm dò khai thác được ký với các công ty năng lượng nhỏ.

Trên thế giới và trong khu vực cũng có nhiều tiền lệ khai thác tài nguyên chung. Các nước Bắc cực đã ký một thỏa thuận khai thác chung. Ở Đông Á, Thái Lan và Malaysia cũng có một hiệp định khai thác dầu khí chung và hiệp ước tương tự cũng tồn tại giữa Đông Timor và Australia.

Chưa hết, Trung Quốc và Nhật Bản cũng từng đạt được thỏa thuận khai thác dầu khí chung trong khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hoang đang tranh chấp vào năm 2008. Bắc Kinh và Tokyo thống nhất cùng khai thác 4 mỏ khí tại Hoa Đông và gác lại hoạt động khai thác tại các khu vực tranh chấp khác. Hai bên đồng ý tiến hành khảo sát chung, và đầu tư ngang nhau vào khu vực phía bắc mỏ khí Chunxiao/Shirakaba và phía nam mỏ khí Longjing/Asunaro. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu đơn phương khai thác mỏ khí Tianwaitian/Kashi, dẫn đến cuộc biểu tình phản đối tại Nhật Bản vào tháng 1/2009. Hành động gây tranh cãi đó, cùng với cuộc đụng độ năm 2010 giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã làm trì hoãn việc thự thi hiệp định.

Tại Đông Á đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc các chính phủ mới sau khi lên nắm quyền tại Tokyo, Seoul và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng ra sao đến các tranh chấp lãnh thổ. Chỉ riêng việc gia tăng hoạt động của các tàu tuần tra tại khu vực tranh chấp cùng với các cuộc tuần tra trên không đủ báo hiệu năm 2013 có thể sẽ chứng kiến ít nhất một vài cuộc đụng độ hải quân. Trong một tín hiệu tích cực hơn, Thủ tướng Nhật  Bản Shintaro Abe, một lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa hăng hái, đã nhanh chóng cử phái viên cấp cao tới Seoul, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, để trấn an chính phủ mới của bà Park Geun-hye và cố gắng nối lại quan hệ hữu nghị.

Quan hệ Trung-Nhật đang đặc biệt căng thẳng khi Trung Quốc cử các tàu của cơ quan an ninh biển đi tuần tễu hằng ngày quanh Senkaku và một số nhân vật tại Nhật Bản đe dọa cử Lực lượng phòng vệ trên không bắn cảnh báo. Như khi giữ chức vụ thủ tướng năm 2006, ông Abe đã tiến hành nỗ lực đặc biệt để xoa dịu quan ngại của Trung Quốc khi lên cầm quyền. Lấy kinh tế làm ưu tiên và cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra trong tháng 7, ông Abe được chờ đợi sẽ hạn chế đối đầu - ít nhất trong ngắn hạn. Nhưng trước sự phẫn nộ của người dân với những hành vi khiêu khích từ Trung Quốc, ông Abe và nội các đang "say đắm" chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ càng khấy động tình hình.

Mỹ đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế căng thẳng và một phái đoàn quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao đã được cử sang để cố vấn cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cuối cùng, một loạt các tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại châu Á chắc chắn sẽ không mang đến vận may năng lượng cho bất kỳ ai. Trừ khi khu vực có thể tìm ra lối đi giải quyết hay ít nhất là quản lý khát vọng dân tộc chủ nghĩa đang thúc đẩy điều lẽ ra chỉ là những cuộc tranh chấp nhỏ đối với một số đảo và bãi ngầm hoang, nếu không, Thế kỷ châu Á cũng sẽ sớm chấm dứt mà thôi.

Trâm Anh theo Robert A. Manning/ Yale Global

Tác giả Robert A. Manning nguyên là cố vấn cấp cao (2001-2004) và thành viên Tổ hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2004-2008. Hiện ông đang là thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft của Hội đồng Thái Bình Dương.