AFF Cup 2018 đã đi được nửa chặng đường nhưng vấn đề tranh chấp bản quyền vẫn chưa được ngã ngũ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Lần đầu tiên tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2018), Việt Nam có hai đơn vị cùng sở hữu bản quyền phát sóng. Theo đó, VTV độc quyền phát sóng trên hạ tầng mặt đất miễn phí, còn Next Media độc quyền phát sóng và phân phối phát sóng trên các nền tảng truyền hình trả tiền.
Việc phân chia hai gói quyền AFF Suzuki Cup 2018 có vẻ như đã rất rõ ràng, thế nhưng thực tế lại đang tạo ra khủng hoảng cho cả hai đơn vị sở hữu quyền phát sóng là VTV và Next Media, khi thực hiện các quyền của mình. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp chính là sự không rõ ràng, không thống nhất trong cách xác định giữa truyền hình trả tiền và truyền hình miễn phí.
Tại Tọa đàm "Quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chồng lấn dịch vụ truyền hình miễn phí và truyền hình trả tiền" do Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Tạp chí Nhà quản lý tổ chức tại TP.HCM mới đây, luật sư Phan Vũ Tuấn, Công ty Luật Phan Law cho biết, quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã xác định các loại dịch vụ phát thanh, truyền hình bao gồm cả truyền hình mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình di động, truyền hình trên mạng Internet đều được cung cấp đến người sử dụng theo hai phương thức là “dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá” và “dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”, với những định nghĩa tổng quan, khái quát nhất về phương thức truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền.
Theo đó, hai phương thức này phân biệt nhau bởi yếu tố có hay không việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm soát và ràng buộc để thu tín hiệu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào hai định nghĩa này, chưa thể nào xác định chính xác thế nào là truyền hình trả tiền và thế nào là truyền hình miễn phí. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại cũng chưa có bất kỳ một văn bản pháp quy nào định nghĩa chi tiết, cụ thể về truyền hình trả tiền và truyền hình miễn phí.
Vậy dựa vào cơ sở nào để xác định một kênh truyền hình thuộc truyền hình trả tiền hay truyền hình miễn phí?
Theo Điều 13 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá (miễn phí) bao gồm: Các kênh truyền hình thiết yếu và các kênh chương trình trong nước khác.
Theo Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT, hiện nay cả nước có 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia: VTV1, VTC1, Vnews, ANTV, QPAN, QHVN, Kênh truyền hình nhân dân và 63 kênh truyền hình thiết yếu của địa phương.
Như vậy, các kênh truyền hình thiết yếu sẽ được sẽ được phát sóng miễn phí trên phương thức truyền hình quảng bá. Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng khẳng định, VTV6 chỉ là kênh chương trình trong nước và không phải là kênh truyền hình thiết yếu theo quy định của nhà nước.
Còn đối với truyền hình trả tiền thì sao? Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì không có bất kỳ điều khoản nào quy định về nghĩa vụ bắt buộc phải tiếp sóng các kênh truyền hình thiết yếu của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có quyền “chủ động lựa chọn các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài, nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng để cung cấp trên các gói dịch vụ”. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 5 của Thông tư 18/2016/TT-BTTTT thì đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có nghĩa vụ cung cấp các kênh truyền hình thiết yếu.
Như vậy, khi các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu trên nền tảng trả tiền thì các đơn vị này phải đảm bảo tuân thủ các quy định được nêu tại Điều 14 Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Cụ thể là các kênh truyền hình thiết yếu được phát sóng trên dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ được phân nhóm riêng thành gói dịch vụ cơ bản mà trong đó:
Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ, chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia phải được cung cấp đến tất cả các thuê bao.
Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phải được cung cấp đến các thuê bao truyền hình trả tiền trên địa phương nơi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo địa bàn hành chính. Ngoại trừ trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng không có khả năng chèn hoặc thay thế kênh chương trình.
Với các căn cứ trên, gói dịch vụ cơ bản của truyền hình trả tiền chính là các kênh truyền hình thiết yếu. Và khi người sử dụng đã đăng ký thuê bao đối với dịch vụ truyền hình trả tiền thì các kênh này sẽ được cung cấp cho mọi thuê bao (đối với kênh truyền hình thiết yếu quốc gia) và cho các thuê bao trên địa phương nơi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo địa bàn hành chính (đối với kênh truyền hình thiết yếu địa phương). Nghĩa là, sau khi đã đăng ký thuê bao trên truyền hình trả tiền, người sử dụng sẽ được đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp kênh truyền hình thiết yếu mà không phải trả thêm bất kỳ chí phí phát sinh nào khác.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, căn cứ vào các quy định trên, để có thể phân định một cách rõ ràng giữa đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình quảng bá, dựa trên các yếu tố sau:
Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình quảng bá sẽ không thu tiền hoặc áp đặt điều kiện sử dụng dịch vụ. Các kênh truyền hình được cung cấp sẽ được phân định rõ các gói kênh là gói kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia và địa phương. Gói kênh còn lại là gói kênh truyền hình trong nước. Truyền hình quảng bá sẽ không có bất cứ kênh truyền hình nước ngoài nào.
Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ phân loại gói kênh cơ bản bao gồm các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và địa phương để cung cấp miễn phí cho thuê bao. Phân loại gói kênh nâng cao bao gồm kênh truyền hình trong nước và truyền hình nước ngoài. Người dùng phải đăng ký thuê bao và phí sử dụng cho gói kênh nâng cao này.
Ngoài ra, đơn vị truyền hình trả tiền còn cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu và dịch vụ giá trị gia tăng khác.