- Các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt là do mưa chứ không phải do hoạt động xả thải gây ra.

Ngày 22/6, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án TAND TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ trì phiên hòa giải vụ 33 hộ dân ở xã Long Sơn kiện 14 DN xả thải làm cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và bị chết trắng, thiệt hại 18 tỉ đồng.

{keywords}

Phiên hòa giải giữa 33 hộ dân kiện 14 DN xả thải làm cá chết, thiệt hại 18 tỉ đồng.

Luật sư Hoàng Long Hà (Đoàn luật sư tỉnh BR-VT) - đại diện cho các luật sư bảo vệ quyền lợi của người dân cho rằng, nguyên nhân chính khiến cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt thời gian qua là do việc xả thải. Việc này các cơ quan chức năng đã làm rõ.

Cụ thể, sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, sở ban ngành đã tham gia lấy mẫu, từ đó xác định nguyên nhân chủ yếu là do nước thải ra từ cống số 6, tích hợp nhiều năm từ 14 DN thải ra.

Còn một số nguyên nhân khác như do hoạt động từ lồng bè, do nước mưa trôi rửa độc tố cũng có nhưng tỉ lệ này không đáng kể.

"Số tiền 18 tỉ đòi bồi thường mà 33 hộ dân đưa ra là dựa vào chứng cứ trong hồ sơ gồm hợp đồng mua bán cá giống, thức ăn đã kê khai ngay sau khi đợt cá chết đầu tiên xảy ra dưới sự chủ trì cơ quan chức năng", luật sư Hà khẳng định.

DN chỉ hỗ trợ, không bồi thường

Tuy nhiên, các DN chế biến hải sản lại phủ nhận nguyên nhân cá chết là bắt nguồn từ việc xả thải. Đồng thời yêu cầu làm rõ thiệt hại mà người dân kê khai.

{keywords}

Cá nuôi trên sông Chà Và chết trắng khiến người dân thiệt hại 18 tỉ đồng.

Đại diện doanh nghiệp Phúc Lộc cho rằng cá nuôi lồng bè chết là do mưa. Vì mỗi lần mưa mới có hiện tượng cá chết hàng loạt.

"Tại sao trời nắng thì cá không chết mà cứ mưa cá mới chết? Tại sao cá tự nhiên không chết mà chỉ cá lồng bè mới chết?", vị đại diện này đặt câu hỏi và nói thêm, DN chỉ hỗ trợ người dân chứ không bồi thường vì nguyên nhân chính không phải do họ gây ra.

Vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho 5 trong số 14 DN cũng nhận định, cá chết là do người dân nuôi tự phát với số lượng quá nhiều, phân bố dày đặc hai bên cầu, cộng thêm vệ sinh lồng bè không đảm bảo gây ảnh hưởng đến cá nuôi. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra cá chết để xem có chất độc không.

Bức xúc trước lý do các DN đưa ra, ông Phạm Văn Thông - người dân nuôi cá phản bác, nếu nói mưa khiến cá chết thì gia đình ông đã không thể nuôi cá tới tận bây giờ.

"Các DN cho nước thải vào hồ chứa, chờ mưa thì mở cống thải ra làm cá chết", ông Thông nêu rõ.

Cán bộ Viện Môi trường và Tài nguyên Nguyễn Thanh Hùng nói thêm, qua quá trình xác định thì nguyên nhân cá chết do thiếu oxi và việc xả thải từ cống số 6 (nơi các DN xả thải) chiếm tới 76%, lúc trời mưa độc tố từ nguồn nước thải sẽ theo cống số 6 đổ ra sông khiến cá chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, đơn vị thống nhất với ý kiến của Viện Môi trường tài nguyên. Và mong muốn các DN chia sẻ khó khăn với người dân vì người dân đang rất khó khăn.

Do phiên hòa giải đầu tiên chưa thống nhất phương án giải quyết nên sẽ tiếp tục phiên hòa giải tiếp theo.

Tóm tắt vụ việc: 

Vào tháng 9/2015, cá nuôi lồng bề trên sông Chà Và, xã Long Sơn chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người dân nuôi thủy sản. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết là do ô nhiễm nguồn nước.

Cụ thể, 14 DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải đã xả nước thải chưa qua xử lý ra hồ chứa nước ở cống số 6. Sau đó, nước từ cống số 6 đổ ra sông Chà Và làm nguồn nước sông ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt.

Ngày 9/5/2016, 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã ký đơn khởi kiện 14 DN và yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 18 tỉ đồng.

Văn Đức