Hôm nay (11/3), phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần thẩm vấn.
Cáo trạng xác định, từ 2016 – 2018 bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng PVCombank, NCB, VAB và 63 tỉ đồng của 4 người khác.
Trong vụ lừa đảo tại NCB, cáo trạng xác định, bà Thành vay của ông Đặng Nghĩa T. 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm (5 sổ tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông T.) vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ.
Sau đó bà Thành đã cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với các công ty khác.
Lợi dụng sơ hở trong quá trình thẩm định ký hồ sơ cho vay của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân, cả hai giả chữ ký của vợ chồng ông T. trên các chứng từ, chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.
Với cách thức tương tự, bà thành còn thực hiện cú lừa tại Ngân hàng PvcomBank và PvcomBank. Cáo trạng xác định, tổng số tiền "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông T., sau đó chỉ định ông gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng là 122 tỷ đồng.
Tại CQĐT, ông T. khai, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành là người đi huy động vốn cho các ngân hàng. Số tiền 122 tỷ đồng là tiền ông gửi tiết kiệm vào 3 ngân hàng NCB, PVCombank và VietABank để hưởng lãi suất theo quy định.
Ông T. và bị cáo Thành thỏa thuận với nhau, ngoài số tiền lãi trên, ông còn được bà Thành trả cho khoản lãi thưởng tương đương với lãi suất ngân hàng. Để tránh việc ông T. rút tiền tiết kiệm trước thời hạn, ảnh hưởng tới chỉ tiêu huy động của bị cáo nên ông T. phải giao các sổ tiết kiệm để bà Thành giữ.
Theo lời khai của ông T. tại CQĐT, ông không biết và không rõ bà Thành sử dụng các sổ tiết kiệm như thế nào, cũng không tham gia vào việc thế chấp các sổ tiết kiệm để bị cáo Thành vay tiền của ngân hàng.
Bản thông ông T. cũng không nhận được văn bản nào của ngân hàng thông báo các sổ tiết kiệm của ông bị cầm cố cho các khoản vay. Thậm chí, hàng tháng ông vẫn được ngân hàng trả lãi vào tài khoản mà không có việc phong tỏa sổ tiết kiệm, phong tỏa tiền lãi.
Tại CQĐT, vợ chồng ông T. đều khai không biết, không đồng ý cho bà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của vợ chồng ông để cầm cố cho các khoản vay. Vợ chồng ông không hề ký vào các chứng từ bảo lãnh cho khoản vay.
Kết quả giám định các chứng từ có chữ ký, chữ viết tên ông T. tại 3 ngân hàng thì vợ chồng ông T. chỉ ký vào các chứng từ phiếu thu, giấy gửi tiền tiết kiệm, bảng thu tiền… của bộ hồ sơ gửi tiền tiết kiệm, nhận lãi gửi tiết kiệm; còn lại các chứng từ của bộ hồ sơ vay và tất toán các khoản vay quay vòng thì không phải chữ ký của vợ chồng ông T.
Cáo buộc cũng cho rằng, không có căn cứ khẳng định vợ chồng ông T. biết và đồng ý cho bà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình để cầm cố cho các khoản vay tại NCB.
Tranh cãi
Ông T. yêu cầu ngân hàng NCB, PVCombank và VietABank phải trả cho vợ chồng ông số tiền đang gửi vào 3 ngân hàng là 122 tỷ đồng cùng tiền lãi của số tiền trên.
Trong khi đó, Ngân hàng VAB, tố giác ông T. biết rõ việc bà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của VAB.
Ngân hàng này đề nghị tòa đánh giá động cơ, lỗi của các đồng sở hữu sổ tiết kiệm đã giúp bà Thành và đồng phạm vay, chiếm đoạt của VAB hơn 397 tỷ đồng làm căn cứ tuyên tịch thu số tiền các đồng sở hữu đã giúp bà Thành và đồng phạm cầm cố vay trái pháp luật, để khắc phục hậu quả thiệt hại tại VAB.
PVCombank đề nghị Tòa án xác định giao dịch ông T. cho bị cáo Thành vay tiền bản chất là các giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm, sau này đều là giả tạo nên bị xác định vô hiệu, từ đó buộc bị cáo Thành và đồng phạm trả tiền cho vợ chồng ông T.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông T. giải thích lý do ông đưa cho bà Thành quản lý 3 sổ tiết kiệm có tổng giá trị 122 tỷ đồng là do ông được bị cáo giới thiệu là có quan hệ với các ngân hàng. Bản thân ông từng chứng kiến việc bà Thành đến ngân hàng và đi lại, chỉ trỏ nhân viên ngân hàng như lãnh đạo…
Một lý do nữa khiến ông T. đồng ý đưa sổ tiết kiệm để bà Thành cầm là do ông được bị cáo hứa trả thêm lãi ngoài. Bản thân ông cũng tin tưởng vào sự chặt chẽ trong quản lý của các ngân hàng.