Cần hướng dẫn chấm phần “phản đề”
Cụ thể, bên cạnh những ý kiến đồng thuận với đề thi hay, mang tính thời sự, một số ý kiến quan tâm đến hướng dẫn chấm của đề thi.
Một giảng viên ở Thừa Thiên Huế từng hai lần tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh cho hay, người ra đề theo dòng thời sự rất hay, đưa ra những gì xã hội đang quan tâm. Việc tạo ra những đề thi như này cần nhân rộng để giúp học sinh tiếp cận nhiều góc độ. Nhưng vấn đề khi ra dạng này cần phải có đội ngũ giám khảo “chắc tay”.
Tuy nhiên, phần nội dung chấm chỉ hướng theo một chiều như: Thấu hiểu cha mẹ là biểu hiện sâu sắc của đạo hiếu; Cách thể hiện tình thương, ơn nghĩa đối với cha mẹ; Thấu hiểu ba mẹ là ngọn nguồn của sự đồng cảm…
“Tôi đã đọc được hướng dẫn chấm thi cho đề này từ Sở GD-ĐT Quảng Nam. Điều tôi đang băn khoăn ở đây là việc đề thi ra yêu cầu trình bày suy nghĩ của thí sinh, nhưng trong hướng dẫn chấm thi không có phần “phản đề”.
Nghĩa là thí sinh có thể nêu ý kiến trái ngược với số đông nhưng vẫn có lập luận chặt chẽ. Nếu như trong hướng dẫn chấm có điểm tách biệt của phần “phản đề” này thì sẽ đảm bảo được tính khách quan”, vị giảng viên chia sẻ.
“Hướng dẫn chấm chứ không phải đáp án”
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Hiệp, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam xác nhận, hướng dẫn chấm được đăng tải là của Sở.
“Thứ nhất, cần đính chính lại đây là hướng dẫn chấm chứ không phải đáp án, không phải ba-rem. Hướng dẫn chấm chỉ mang tính chất định hướng và nó rất mở chứ không như đáp án đúng sai”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, hướng dẫn chấm có hai phần là hướng dẫn chung và hướng dẫn cụ thể.
“Trong hướng dẫn chung, ý đầu tiên có dặn dò giám khảo phải thực hiện hướng dẫn chấm một cách linh hoạt vì đây là đề mở. Trong hướng dẫn chung ghi rất rõ, giám khảo cần nắm bắt được nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm và sử dụng hướng dẫn chấm một cách linh hoạt.
Ý thứ hai trong phần hướng dẫn chung này có ghi khuyến khích những bài viết có cách nhận diện, lý giải vấn đề nghị luận sâu sắc, lập luận chặt chẽ, sáng tạo, thuyết phục”, ông Hiệp giải thích.
Cũng theo ông Hiệp, như vậy, hướng dẫn chấm đã khuyến khích những bài viết cảm nhận, có lý giải khác biệt, thuyết phục, lập luận chặt chẽ. “Điều này tôn trọng bài làm của thí sinh về sự khác biệt”, ông Hiệp cho biết thêm.
Ông Hiệp thông tin, điều thứ 3, trong phần hướng dẫn cụ thể có viết rằng thí sinh có thể làm bài bằng nhiều cách và sau đây là một số định hướng chứ không ràng buộc.
“Trong này người chấm sẽ thực hiện một cách linh hoạt chứ không làm y như hướng dẫn chấm mới cho điểm, hiểu như vậy là sai. Đã có những quan điểm chỉ đạo về việc tôn trọng cách nhìn nhận lý giải của học sinh mà nó có sức thuyết phục. Những điều trong hướng dẫn chấm chỉ là định hướng, một hướng tiếp cận chứ không ràng buộc.
Nếu có những bài làm khác biệt thì giám khảo vẫn tôn trọng nếu học sinh lý giải thuyết phục”, ông Hiệp khẳng định.
Với câu hỏi vì sao không đưa những ý kiến phản biện được học sinh lý giải thuyết phục vào phần hướng dẫn chấm, ông Lê Văn Hiệp chia sẻ: “Đây là một bài làm văn của học sinh lớp 9 chỉ làm trong 60 phút (Đề có 2 câu, chia theo tỉ lệ điểm – PV), trong hướng dẫn chấm đã có hàm ý rồi, chứ không phải hướng dẫn chấm lúc nào cũng nói tách bạch vấn đề.
Trong quá trình triển khai hướng dẫn chấm cho giám khảo thì giám khảo sẽ có thảo luận, góp ý, bổ sung, thống nhất rồi mới đi đến chấm, vì học sinh làm như thế nào mình không thể hình dung hết được”.
Trước đó, mạng xã hội Facebook lan truyền một đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn, vào ngày 19/4 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam về: “Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”. Nội dung đề thi câu 1 với 8 điểm là nghị luận xã hội có nội dung: a. Trong bộ phim "Repply 1988" sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố. b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa. Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ". |
Công Sáng