Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp là một công cụ quan trọng giúp quản lý và xử lý thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng và duy trì một cơ sở dữ liệu hiệu quả không chỉ giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu và quản lý trong việc đưa ra quyết định chiến lược.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Tại tỉnh Kumamoto của Nhật Bản, cán bộ khuyến nông và các cơ quan liên quan cung cấp kiến thức, công nghệ, thông tin,… cho người nông dân ở tỉnh Kumamoto thông qua tạp chí nông nghiệp hàng tháng “Kumamoto Agri”. Cán bộ khuyến nông đến thăm từng hộ nông dân và phát tận tay sau đó chuyển sang gửi bưu điện. Tuy nhiên có những vấn đề như số lượng và loại thông tin có thể được truyền đạt, đối tượng mục tiêu cần cung cấp và khó khăn trong việc cung cấp thông tin kịp thời. Do đó để số hoá việc phổ biến thông tin một cách nhanh chóng, trang web “Agri Kumamoto” đã được thiết lập nhằm số hoá thông tin và tăng cường quản lý nông nghiệp đồng thời hiện thực hoá nền nông nghiệp Kumamoto có thể cạnh tranh với thế giới.

Cùng với việc phát triển của môi trường Internet, việc phát hành tạp chí bằng giấy đã được chuyển sang vận hành trên trang web nhằm cung cấp thông tin rộng rãi hơn cho người nông dân trong tỉnh, giảm được chi phí liên quan đến phát hành do chuyển hết sang vận hành trên trang web.

Từ năm 2020, tỉnh Kumamoto kết thúc việc phát hành tạp chí nông nghiệp “Kumamoto - Agri” hàng tháng; bắt đầu vận hành trang thông tin nông nghiệp “Agri-Kumamoto”.

Trang chủ bao gồm 10 hạng mục: 1. Thông báo (dự báo sự bùng phát sâu bệnh hại, các biện pháp phòng chống thiệt hại cho cây trồng,..); 2. Thông tin về nghiên cứu thử nghiệm (Đăng “công nghệ mới” được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của tỉnh); 3. Thông tin về nông nghiệp thông minh (đăng thông tin về máy bay không người lái, thiết bị nông nghiệp tự động); 4. Tài liệu kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi (đăng thông tin công nghệ liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi); 5. Giới thiệu nông dân (đăng tin về nông dân mới và nông dân đang làm nông nghiệp với sự quan tâm đặc biệt); 6. Giới thiệu các cuộc thi về nông nghiệp; 7. Thông tin về hoạt động khuyến nông; 8. Thông tin về chính sách; 9. Tài liệu tham khảo; 10. Các liên kết.

Đối với nội dung lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi: Vào đầu năm tài chính, các chuyên gia hỗ trợ đổi mới nông nghiệp quyết định nội dung sẽ đăng, trong đó tập trung trọng điểm vào các công việc/ thao tác đối với của từng loại cây trồng, vật nuôi. Các cán bộ khuyến nông trẻ ở mỗi khu vực sẽ được phân công viết bài về các nội dung này và các chuyên gia hỗ trợ đổi mới nông nghiệp sẽ duyệt các bản thảo để đăng lên trang web.

Đối với mục giới thiệu nông dân được chia thành 4 lĩnh vực: 1. Nông dân mới (người bắt đầu làm nông nghiệp, nông dân trẻ,…); 2. Người làm nông nghiệp với sự quan tâm đặc biệt đến kỹ thuật canh tác và bán hàng; 3. Phụ nữ toả sáng: nông dân nữ và các nhóm đang hoạt động ở từng khu vực; 4. Tuyên truyền, phổ cập thực phẩm của quê hương Kumamoto. Các bài đăng sẽ được tham khảo ý kiến của Phòng Khuyến nông, Chấn hưng nông nghiệp.

Hàng tháng Phòng Khuyến nông, Chấn hưng nông nghiệp của từng khu vực đưa thông tin về khuyến nông của từng khu vực do đơn vị phụ trách. Các cơ quan hành chính viết các tin bài về thông tin của các dự án hỗ trợ, các cơ quan nghiên cứu viết các tin bài về thành quả nghiên cứu mỗi khi có thông tin.

Số người truy cập trang khoảng 141.000 người, số lượt xem khoảng 176.000 lượt; số trang đã xem: 334.000 trang. Ngoài nông dân trong tỉnh, kể cả những người khác không phải là nông dân trong và ngoài tỉnh cũng truy cập vào trang web để đọc thông tin.