- Ở Sóc Trăng, bà con nông dân đang lâm cảnh trắng tay, nợ nần do hạn, mặn, lúa chết đến hàng nghìn ha.

Ngồi thẫn thờ trên đồng ruộng khô, nứt toác nhìn mấy con bò đang ăn lúa chết, ông Nguyễn Văn Hùng (huyện Long Phú) không thể hình dung nổi hạn, mặn hoành hành dữ dội khiến số phận gia đình ông lâm vào cảnh khốn đốn.

Gia đình ông Hùng xạ 22 công lúa nhưng giờ chết gần hết.  

{keywords}

Nước dưới sông mặn chát nên bơm vào ruộng lúa khô héo, chết dần

“Gia đình tôi làm ruộng mấy chục năm nay rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh như vậy. Nước dưới sông mặn chát nên bơm vào ruộng lúa khô héo, chết dần, thiệt hại gần cả trăm triệu đồng”, lão nông chua chát.

Lấy tay múc ngụm nước đưa vài miệng, ông Hùng than: “Đắng luôn chứ mặn gì nữa. Con người còn chịu không nổi huống chi là cây lúa”.

Cạnh ruộng ông Hùng là hơn 5 công lúa của gia đình bà Tư Minh cũng trong cảnh tương tự, lúa vàng hoe, ruộng khô nứt toác.

{keywords}

Gia đình bà đã đổ vào vụ này hơn 10 triệu đồng. Luôn tự hào làm nông, trồng lúa trúng vụ “chưa ai qua mặt” được, năm nào cũng thu hơn một tấn công, vậy mà bà Tư Minh không thể nghĩ một ngày, cả ruộng lúa chỉ toàn hạt lép.

“Nhìn xót ruột lắm”, bà nói giọng nghẹn lại như không tin nổi thực tại. Tình cảnh gia đình giờ bà ví “hết cầm cự” nổi vì chủ cửa hàng phân bón vào đòi nợ miết.

Hai ông bà bàn nhau đi Đồng Nai làm kiếm tiền trả nợ.

Ngược xuôi cứu lúa đổ đồng

Giữa trưa nắng như thiêu đốt, chạy theo con đường đất ở xã Tân Hưng nhìn hai bên cánh đồng vàng úa, lúa héo rũ vì thiếu nước và nhiễm mặn nặng, xa xa văng vẳng tiếng máy bơm nước nổ xình xịch.

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Luận rầu lòng chưa có tiền đóng học cho con

Anh nông dân Nguyễn Văn Luận vừa cắt mớ lúa không trổ bông được về cho 7 bò ăn than thở: “Ruộng nhà tôi đất gò, lại nằm cách xa đầu kinh nội đồng nên phải canh con nước để đặt máy bơm.

Nhưng nước dưới kênh toàn là nước mặn nên lúa khô héo, không thể cứu được. Hôm nay ra cắt về cho bò ăn. Số còn lại phó mặc cho trời. Vụ này gia đình tôi cầm chắc lỗ hơn 15 triệu đồng”.

Lỗ chưa có tiền trả trong khi học phí của đứa con trai đang học lớp 5 vẫn chưa đóng được. Mỗi ngày đứa trẻ đi học về lại nhắc cha mẹ đóng tiền học khiến anh Luận rầu cả lòng.

“Tiền ăn còn không có, lấy đâu mà đóng học phí. Giờ phải chịu “mặt dày”, chỉ sợ thằng nhỏ tủi thân”, anh Luận ngậm ngùi.

Ở huyện Trần Đề có nhiều căn nhà thấp tè mọc chơ vơ giữa đồng ruộng mênh mông. Người dân phải ngược xuôi cứu gần chục công lúa đang trổ đồng.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Nhỏ cầm nắm lúa không trổ nổi bông 

Ghé nhà ông Nguyễn Văn Nhỏ (59 tuổi) khi ông từ ngoài ruộng về nhà với nét mặt buồn rầu.

“5 công lúa nhà tôi đang trổ đòng thì bị nhiễm mặn, nóng ruột quá nên tôi chạy đi mua dầu rồi về mượn máy của ông anh bơm nước cứu lúa, nhưng thua rồi”, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, nước da đen bóng cháy nắng như những bông lúa đang chết ngoài đồng thở dài.

Trước đây, lũ về giúp rửa phèn, rửa mặn cho đất, ruộng được bồi đắp phù sa trồng lúa sẽ tốt. Nhưng tháng 9, 10 năm trước thấy nước lũ không về, ông đoán có chuyện không lành, chuyển hướng chọn giống lúa ngắn ngày, rồi tranh thủ xuống giống sớm để tránh mặn.

“Vậy mà không kịp. Nước mặn về cả nhà tôi túc trực ngày đêm để canh bơm nước. Đêm nào cũng ngồi ngoài đồng muỗi cắn khắp cả người, bụng đói”, ông Nhỏ nói.

{keywords}

Dưới nhà sau, vợ ông Nhỏ nói vọng lên: “Mấy bữa đó ông ấy “cắm trại” ngoài đồng để canh lúa, toàn ăn mì gói sống để cầm cự. Bà con xung quanh mời đám cưới, đám giỗ mà ổng cũng không thèm đi”.

Tiếp lời, ông Nhỏ nói, mấy năm trước làm lúa được mùa, được giá thì đi đám cưới còn vui cười. Anh em trong xóm ngồi nhậu, hát đờn ca tài tử cho vui xóm, vui làng, còn năm nay mặn xâm nhập khiến cây lúa chết khô, mọi người không còn tâm trạng để vui vẻ nữa.

Đổ nợ

Chạy theo quốc lộ Nam Sông Hậu, gió biển thổi hơi mặn khiến tay, mặt chúng tôi đau rát. Ghé hỏi thăm nhiều người về tình hình hạn mặn, ai cũng cho lắc đầu ngao ngán: “Đổ nợ”.

{keywords}

Lúa được bó đem về cho bò ăn

Ngồi trước cửa nhà với khuôn mặt hốc hác, ông Nguyễn Văn Bé Ba buồn bã kể, vợ và hai đứa con gái mới lớn phải bỏ đi lên Sài Gòn kiếm tiền gửi về để trả lãi ngân hàng, tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu.

Nhà ông có 5 công lúa bị cháy hết vì hạn, mặn.

“Nhìn những đồng tiền của mình “bốc hơi” trên ruộng, tôi chỉ biết chết lặng. Cái mà tôi tức nhất là xem tivi nói nước trên sông Mekong bị chặn lại do đập thủy điện.

Họ làm vậy là chết người dân vùng này đó. Dân ở đây không làm lúa thì chẳng biết làm gì, mà tụi tôi không làm lúa mấy vùng khác cũng đói thôi”, ông bức xúc.

Hiện đã có 6/11 huyện, thị xã tỉnh Sóc Trăng, hơn 10.000 ha lúa bị ảnh hưởng mặn và hạn, trong đó hơn 900 ha bị mất trắng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Trong lúc chờ “mưa vàng” xuất hiện để có nước sinh hoạt và rửa mặn để tiếp tục xuống giống vụ sau, người nông dân mong mỏi chính quyền hỗ trợ cho vay để trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt và tái sản xuất.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

Kỳ tới: Bi kịch khát nước lan khắp miền Tây