Gần đây trên các mạng xã hội, trang sức bằng vàng non được quảng cáo, rao bán khá rầm rộ. Theo đó, trang sức vàng non hay còn gọi là trang sức vàng non tuổi được làm từ các loại vàng 10K (41,7%), vàng 14K (58,3%) thường được gọi là vàng 5 tuổi 8, vàng 18K (75%) thường được gọi là vàng 7 tuổi rưỡi.
Trang sức chế tác từ vàng non tuổi được quảng cáo và bán nhiều trên mạng xã hội. |
Lướt qua các shop online bán trang sức vàng non, không khó để thấy những lời mời chào mua các loại nhẫn, dây chuyền, lắc tay… làm từ vàng non rất đẹp. Giá những loại trang sức này cũng khá đa dạng, phong phú.
Trang sức làm từ những loại vàng non cũng rất đa dạng với nhiều mẫu mã từ hiện đại đến truyền thống. Hơn nữa, giá thành lại rẻ hơn vàng 24K (99,99%) vàng 10 tuổi, hay vàng 90% vàng 9 tuổi. Vì thế, loại trang sức này cũng phù hợp với túi tiền của nhiều chị em hơn. Giá của loại vàng non này cũng khá rẻ, một chiếc nhẫn đính đá khoảng 500.000 đồng, bộ hoa tai 350.000 đồng, dây chuyền 1000.000 đồng…
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm bán vàng trang sức, chị Vũ Thu Hà (Giảng Võ, Ba Đình , Hà Nội) cho biết, trên thị trường hiện nay đang rộ lên mốt kinh doanh trang sức vàng non tuổi. Thế nhưng điều đáng lưu ý cũng xuất hiện không ít loại trang sức mỹ ký trá hình.
“Giá bán thì rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng một bộ, sau thời gian ngắn bị phai màu, loại trang sức này có thể làm da mẩn đỏ hay nghiêm trọng hơn là phồng rộp, có triệu chứng dị ứng,… thì chắc chắn đó không phải vàng”, chị Hà nói. Chị cũng lưu ý, có người quảng cáo trang sức làm từ nàng non tuổi nhưng thực tế chỉ là kim loại mạ vàng. Những loại trang sức này chỉ đẹp, giá trị không cao nên vẫn được rất nhiều chị em mua sử dụng.
Theo các chuyên gia, sự nhập nhèm bằng tên gọi "vàng non" không minh bạch và không được coi là vàng. |
Không có khái niệm “vàng non”
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin về loại vàng này. Ông cho biết, không có loại vàng nào là vàng non hay vàng già, vàng trung tuổi.
Theo GS Thị, người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.
“Bất kể sản phẩm vàng trang sức nào cũng có giấy chứng chỉ vàng. Nếu không có đương nhiên đó không phải là vàng, hoặc là vàng giả.
Sản phẩm vàng non quảng cáo trên thị trường không thể coi là vàng, hoặc nó có thể là bất kỳ kim loại nào đó màu vàng mà không phải vàng”, GS. Thị nhấn mạnh.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, những sản phẩm vàng trang sức có tỉ lệ vàng thấp vẫn được phụ nữ lựa chọn vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Nhưng dù tỉ lệ nhiều hay ít, khi có thành phần vàng thì nó vẫn có giá trị trao đổi. Khi mua đồ trang sức vàng, tốt nhất là lựa chọn các cửa hàng vàng, trang sức uy tín và cảnh giác với những quảng cáo trôi nổi trên mạng.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, để chắc chắn, sau khi mua vàng, khách hàng có thể đem đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 73-74% vàng là có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta thì sai số chỉ là 1-2%, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, trong khoa học, địa chất học và ngành kim hoàn, không có khái niệm “vàng non” mà chỉ có vàng bao nhiêu phần trăm. "Việc người ta bán trang sức với danh nghĩa vàng non là một cách nói mập mờ, rất có thể là để bán vàng giả", ông cho hay.
"Vàng là vàng, không có chuyện vàng nhiều tuổi thì đắt, vàng ít tuổi thì rẻ. Không có khái niệm tuổi vàng, và lại càng không có thuật ngữ nào là vàng non trong khoa học, địa chất học, kim hoàn học… Do đó, từ cách sử dụng từ ngữ đã có thể đặt nghi vấn đây là vàng giả hoặc vàng có thành phần cực thấp", GS.TSKH Phan Trường Thi. |
(Theo Viet Q)