Để siết chặt hoạt động môi giới, cơ quan chức năng đã từng có nhiều dự thảo, quy định như: Môi giới phải có bằng đại học, phải có chứng chỉ hành nghề… Tuy nhiên, điều này dường như chỉ có giá trị trên văn bản, còn dịch vụ môi giới vẫn vận hành theo luật ngầm riêng của nó.
Chứng chỉ môi giới, học để đối phó
Đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản từ nhiều năm trước được kỳ vọng là phương thuốc giúp lành mạnh thị trường, thanh lọc đội ngũ cò đất chụp giật. Tuy nhiên, thực tế thị trường đã không diễn ra như mong đợi.
Môi giới có chứng chỉ nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại |
Việc học để lấy chứng chỉ vẫn mang động cơ đối phó là chính. Anh Nguyễn Lộc, quản lý tại một sàn bất động sản lớn tại TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều trung tâm trước đây, mọc lên để đào tạo môi giới, nhưng giáo trình và giảng viên thì cũng “vàng thau lẫn lộn”. Một số đơn vị chạy theo mục đích thương mại nên không quan tâm nhiều đến khả năng tiếp thu của học viên. Miễn sao họ lấy được tiền và cuối khóa cho học viên “học tủ” để thi cho qua”.
“Tôi chưa thấy ai đi học, đóng tiền mà thi trượt cả. Thậm chí, một số trung tâm trước đây còn quảng cáo “bao đậu”. Với khối lượng kiến thức lớn, học trong 3 tháng để nắm kiến thức môi giới, quản lý sàn, định giá bất động sản rất khó và chỉ học lý thuyết là chủ yếu, thiếu hẳn thực tiễn. Do vậy, học xong cũng chỉ nắm vài định nghĩa, khái niệm chứ chưa thể nào làm môi giới được” - anh Lộc chia sẻ.
Anh Điềm, chủ một doanh nghiệp bất động sản, chia sẻ: “Nhiều quản lý đi học để đáp ứng yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ theo quy định, chứ thực tế công việc không cần thiết. Với nhu cầu tuyển dụng môi giới ồ ạt như thời gian qua, chắc chắn sẽ nhiều người chưa có chứng chỉ và doanh nghiệp phải tự đào tạo”.
“Việc kiểm tra, giám sát môi giới phải có chứng chỉ là cực khó vì sàn có thể lách bằng cách này hay cách khác. Cùng là một công việc như nhau, nhưng nếu sàn họ bảo người của họ là “nhân viên chăm sóc khách hàng” thì cần gì chứng chỉ hành nghề môi giới?” – anh Điềm nói.
Doanh nghiệp cũng tổ chức sát hạch
Nếu lấy chứng chỉ ở một số trung tâm khá dễ dàng thì thực tế khi tuyển dụng và làm việc trong môi trường doanh nghiệp hoàn toàn không đơn giản như vậy. Anh Nguyên Khoa, nhân viên thuộc một hệ thống sàn giao dịch 3.000 môi giới, có trụ sở tại quận 7, chia sẻ, hồi mới vào làm, anh phải mất 1 tháng để học về sản phẩm, học về quy trình, kỹ năng môi giới, học kỹ năng mềm… trải qua rất nhiều bài kiểm tra, đánh giá của công ty. Chỉ khi nào nhân viên thi đạt thì mới được ra tiếp khách.
Từ thực tế tuyển dụng tại công ty, một lãnh đạo Khải Hoàn Land, cho biết, có chứng chỉ môi giới là lợi thế, nhưng mối quan tâm hàng đầu của các nhà tuyển dụng vẫn là kết quả bán hàng trước đó của ứng viên. Nhiều ứng viên có chứng chỉ nhưng vẫn phải qua Trung tâm Huấn luyện Chuyên biệt - Coaching Center, để đào tạo lại cho phù hợp với thực tiễn.
Theo các chuyên gia, việc đào tạo tại doanh nghiệp sẽ giúp cho môi giới có điều kiện “học đi đôi với hành”. Điều này sẽ tránh được sự giáo điều, lý thuyết suông, học đối phó như đã từng xảy ra ở các môi trường đào tạo khác. Đó cũng là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Nam Long… đang áp dụng cho nhân viên môi giới.
Với thực trạng hiện nay, việc trông chờ quy định môi giới phải có chứng chỉ, đi vào thực tế để làm lành mạnh thị trường, vẫn còn nhiều rào cản. Trong khi đó, để việc đào tạo tại doanh nghiệp thực sự hiệu quả, chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, thì chỉ một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực tài chính và ý thức xây dựng thương hiệu từ hình ảnh những người môi giới, mới mạnh dạn đầu tư.
Quốc Tuấn