Danh tiếng của đại sư cộng với biết được giá trị của cuốn bí kíp võ công mà ông coi như báu vật, một nhà sách ở Sài Gòn đã gạ mua đứt bản quyền với giá lên tới 200 cây vàng.
Sách quý hơn vàng
Võ sư Băng Sơn kể, sau khi lĩnh hội được tất thảy những ghi đại sư lưu lại trong bí kíp, mùa hè năm 1994 ông lại khăn gói vào Nam để vấn an thầy. Và chuyến đi này ông đã vô cùng ngỡ ngàng khi biết được giá trị của cuốn bí kíp mà thầy ông đã gửi gắm.
Câu chuyện ấy khiến càng khiến võ sư cảm kích tấm lòng vì võ thuật của thầy mình.
Lần ấy, thăm thú huynh đệ làng võ, ông đã vô tình nghe được câu chuyện thú vị. Chuyện rằng, khi chưa giải phóng, nhiều nhà sách đã tìm đến danh sư Đoàn Tâm Ảnh để cậy nhờ đại sư biên soạn sách về võ thuật.
Ngày ấy, bởi chiến tranh loạn lạc nên người dân mê võ. Những cuốn sách về võ thuật bán chạy như tôm tươi. Và, với danh tiếng của mình, nếu đại sư chấp nhận hợp tác thì đương nhiên các nhà sách sẽ thu được bộn tiền.
Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, đại sư còn phân vân, lưỡng lự.
Trong số những “đối tác” trên thì nhà sách Khai Trí “chăm sóc” đại sư kỹ nhất. Ngoài chuyện mời mọc đại sư cộng tác độc quyền cho mình thì họ còn mong muốn đại sư nhượng lại bản quyền một cuốn bí kíp võ công mà họ biết chắc là ông đang cất giữ.
Cái giá mà họ đưa ra khiến nhiều người giật mình. Theo đó, nếu đại sư gật đầu thì ngay lập tức họ đem 200 cây vàng đến. Thế nhưng, trước tất cả sự chèo kéo ấy, đại sư đều lắc đầu, thậm chí ông còn chối thẳng rằng mình không có bí kíp nào cả.
Nghe được câu chuyện trên, trong một cuộc chuyện trò, võ sư Băng Sơn đã lựa lời gặng hỏi. Và, câu trả lời của đại sư đã khiến ông giật mình thảng thốt.
“Thì sách đó ta đã chuyển tận tay anh rồi đấy thôi. Đúng là người ta hỏi mua với giá đó thật, nhưng sách quý, nhất là sách võ thì phải tìm đúng chủ chứ!”, đại sư thản nhiên nói.
Võ sư Băng Sơn ở một mình trong căn nhà có phần tạm bợ bên hồ Thanh Nhàn. Trong nhà chật kín mộc nhân và binh khí luyện võ. Gác trên, nơi nghỉ ngơi của ông cũng chật kín sách vở và lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân. Đàn ông ở một mình thường bề bộn.
Mấy lần tôi đến thăm, hỏi cuốn bí kíp võ công thì ông đều cất giữ ở mỗi nơi khác nhau trong căn nhà lỉnh kỉnh những đồ đạc khó gọi tên ấy. Tuy nhiên, dù cất giấu chỗ nào thì cuốn bí kíp đó đều được trang trọng để trong chiếc hộp gỗ được khóa cẩn thận.
“Thì nhà cửa mình thế nên phải có cách cất giữ riêng, nhỡ chẳng may mất thì chết. Mất thì tiếc giá trị một, thấy có tội với sư phụ mười”, võ sư Băng Sơn chia sẻ.
Trước mỗi khi lần hồi mở hộp lấy cuốn bí kíp võ công ấy ra võ sư Băng Sơn đều làm một nghi lễ tôn nghiêm ấy là thắp nén nhang thơm tưởng nhớ chân sư mình, đại sư Đoàn Tâm Ảnh.
Theo võ sư Băng Sơn, cuốn bí kíp mà ông đang sở hữu hội đủ những tinh hoa võ thuật của Côn Luân Bắc phái.
Côn Luân Bắc phái phát triển võ thuật trên cơ sở của võ tiên nên các bài võ trong cuốn bí kíp rất ngắn, mỗi bài không quá 50 động tác. Tuy nhiên, đó là những động tác vô cùng hiệu quả trong chiến đấu.
“Võ tiên chủ yếu hướng đạo, hướng thiện nên ít hoa mỹ, rườm rà. Do vậy người tập võ tiên khi muốn tha ai thì chỉ có nước bỏ chạy còn đã đánh thì tính sát thương rất khủng khiếp, thậm chí khiến đối phương mất mạng ngay tức khắc”, võ sư Băng Sơn cho biết.
Khi truyền lại cho võ sư Băng Sơn, đại sư Đoàn Tâm Ảnh cũng có nguyện ước là phổ biến rộng rãi cuốn bí kíp đó cho nhiều người. Di nguyện đó, theo võ sư Băng Sơn thì đến giờ ông vẫn canh cánh trong lòng.
“Sách nào cũng vậy, nó chỉ thực sự quý khi đến được tay người đọc chứ còn cứ cất kỹ trong hộp thì cũng chẳng khác tập giấy vô tri. Nhưng giờ người có tâm với võ, luyện võ chân chính ngày càng ít đi, nghĩ cũng buồn lắm.
Nhiều lần tôi cũng có ý định in cuốn bí kíp nhưng thấy tình hình thế này thì chưa ổn nên thôi. Đời tôi chưa in được thì tôi sẽ truyền lại cho đệ tử mình, họ sẽ giúp tôi làm việc đó”, võ sư Băng Sơn chia sẻ.
(Theo Trí thức trẻ)