Mời quý độc giả theo dõi video:
Tràng Lương là xã miền núi của thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, với 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm khoảng 40%.
Từ nhiều năm qua, hát then là loại hình văn hoá nghệ thuật truyền miệng, gắn liền với hoạt động sinh hoạt văn hoá hàng ngày của bà con dân tộc Tày nơi đây. Việc phát triển mô hình CLB hát then - đàn tính đã từng bước đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với cuộc sống của người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch của thành phố.
Đây cũng là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia – phát triển kinh tế xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Nghị Quyết số 17 –NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững được xã Tràng Lương chú trọng thực hiện.
Để mở rộng, phát triển CLB, các cán bộ văn hóa xã đã tới từng nhà, khơi dậy niềm tự hào cũng như gắn kết những hạt nhân yêu thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, kết hợp với thị xã và Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức các lớp học, mời nghệ nhân về dạy hát then, đàn tính cho bà con, qua đó nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày xã Tràng Lương.
Bà Lài Thị Mến, Phó chủ tịch UBND xã Tràng Lương là người rất tâm huyết với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Những năm quá, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, tỉnh về phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Mến trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động bà con trong xã tham gia câu lạc bộ. Gần đây, bà Mến đã tham gia kêu gọi được mạnh thường quân tài trợ một phần kinh phí để may trang phục cho câu lạc bộ.
Mỗi khi câu lạc bộ sinh hoạt, bà Mến thường trực tiếp tham gia, tập luyện cùng mọi người. Qua đó, động viên tinh thần, tạo động lực cho bà con duy trì câu lạc bộ.
Hiện nay, CLB hát then - đàn tính ở xã Tràng Lương có 40 thành viên. Điều đó cho thấy nỗ lực của người dân và chính quyền trong việc phục dựng và bảo tồn nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đặc biệt tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã; Gắn kết chặt chẽ du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng với dịch vụ trong sự phát triển hài hòa, bền vững; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong năm 2024, xã Tràng Lương sẽ phát triển các sản phẩm du lịch mới: xây dựng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể tái hiện các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày và dân tộc Sán Dìu; mô hình nhà sàn trưng bày trang phục, nhạc cụ, tiếng nói, chữ viết...; biểu diễn nghệ thuật hát then, đàn tính...