Tại Hội nghị chuyên đề "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" tổ chức mới đây, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Internet đã mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội.
Song các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm cũng đang lợi dụng môi trường mạng để hoạt động, dẫn đến nhiều nguy cơ đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em Việt Nam. Các nguy cơ này bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.
Ông Mạnh cho hay, từ năm 2021 đến năm 2023, lực lượng công an trong cả nước đã khởi tố 484 vụ án, 553 bị can về nhiều tội danh như: "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm".
Xử phạt hành chính 28 vụ, 49 chủ thể vi phạm về các hành vi thu thập, sử dụng, công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; cung cấp, chia sẻ thông tin bạo lực học đường, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em...
Lực lượng công an cũng đã phối hợp với gia đình, nhà trường nhắc nhở, giáo dục, răn đe 76 vụ với 163 trường hợp về các hành vi chia sẻ thông tin bạo lực học đường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em…
Ngoài ra, lực lượng công an xử lý 779 đối tượng, cá nhân thực hiện các hành vi xâm phạm quyền trẻ em, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, bên cạnh công tác đấu tranh tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng công an đã triển khai tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các loại thông tin độc hại đối với trẻ. Đã ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em…; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật…
Tại Hội nghị, Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Vũ Thị Kim Hoa cho biết, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Trẻ em 2016, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; Chị thị số 28 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã triển khai một số hoạt động.
Cụ thể như: Phát triển tổ chức và nâng cao năng lực của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường kết nối, thu nhận các thông tin, ý kiến của trẻ em, kiến nghị của các tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện quyền trẻ em…
Từ thực tế triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Vũ Thị Kim Hoa đưa ra những đề xuất cụ thể như: Tăng cường hướng dẫn cha mẹ về vai trò của gia đình trong quản lý trẻ sử dụng Internet an toàn; hướng dẫn trẻ về các kỹ năng cần thiết để trở thành người sử dụng thông minh, an toàn trên môi trường kỹ thuật số; tăng cường tập huấn cho các cán bộ của tổ chức xã hội về kiến thức và kỹ năng hướng dẫn trẻ sử dụng Internet an toàn; xây dựng và phát triển các tài liệu truyền thông về an toàn trên mạng Internet thân thiện với trẻ em…
Cũng theo bà Vũ Thị Kim Hoa, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và trẻ em trong nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường Internet là vô cùng cần thiết. Có như vậy mới huy động được nguồn lực của toàn xã hội để giải quyết những vấn đề liên quan tới xâm hại, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo cho trẻ em được tương tác trong môi trường kỹ thuật số an toàn, lành mạnh.
Khẳng định không gian mạng đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trẻ em sẽ là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng, sự thịnh vượng cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng tăng.
Ông Trần Đăng Khoa đã chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng như: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...
Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết. Đó chính là "vaccine số" dành cho những "công dân số nhí".
Thanh Minh