Mặt trái của công nghệ

Thời gian gần đây, dư luận dấy lên nỗi xót xa khi xuất hiện nhiều vụ học sinh tự tử do bị tẩy chay, cô lập, bị bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội.

Internet đã tạo ra một sân chơi, kết nối con người với những tiện ích không thể phủ nhận, nhưng cũng là con dao hai lưỡi khi tiềm ẩn nhiều mối đe doạ cho sức khoẻ tinh thần, nhân cách của người dùng, đặc biệt là trẻ em. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 18 trên toàn cầu và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tỉ lệ khá lớn lại là thanh thiếu niên.

Có một thực tế đáng buồn là nhiều trẻ em từ thành thị đến nông thôn, đang bị “mê hoặc” bởi những chiếc smartphone, máy tính kết nối mạng. Công nghệ mở ra một chân trời tri thức rộng mở cho các em, giúp việc kết nối, học tập thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, công nghệ và mạng Internet cũng mang đến những hậu quả khôn lường.

Không ít bạn trẻ bị nghiện xem những kênh thông tin có nội dung nhảm nhí, độc hại trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube… Tiếp cận nội dung xấu độc trên mạng không khác gì việc các em chọn nhầm bạn xấu ngoài đời, hệ quả kéo theo sự tổn thương nghiêm trọng về cảm xúc, tâm lý và thể chất. Hậu quả càng nặng nề khi các em vẫn đang trong giai đoạn chưa hoàn thiện về nhân cách, thể chất còn non nớt, chưa đủ sức chống đỡ với tác hại tiêu cực từ bên ngoài.

{keywords}
Vấn nạn “bắt nạt online” kèm theo nhiều mâu thuẫn trên không gian số dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời. (Ảnh minh họa: Báo SKĐS)

Chưa kể, tâm lý cha mẹ có con học giỏi, có chút năng khiếu nghệ thuật thường chia sẻ lên mạng xã hội để "khoe" thành tích. Việc làm tưởng như vô hại này lại trở thành sức ép rất lớn cho cả cha mẹ và con cái. Nguy hiểm nhất là nội dung chia sẻ có thông tin họ tên, lớp học, địa chỉ... kèm một vài hình ảnh con trẻ có thể bị kẻ xấu lợi dụng.

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Nguy cơ bị dụ dỗ, phát tán thông tin cá nhân, xâm hại tình dục, bắt cóc… đang đe doạ đến sự an toàn của con trẻ. Vấn nạn “bắt nạt online” kèm theo nhiều mâu thuẫn trên không gian số dẫn tới không ít vụ xô xát ngoài đời.

Tạo "áo giáp" bảo vệ trẻ em trên mạng

Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, với nhiều giải pháp, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà trường, các bậc phụ huynh… được kỳ vọng sẽ mang lại tấm lá chắn an toàn cho các công dân số trẻ tuổi.

Chương trình hướng tới mục tiêu kép: bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi, để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Thực hiện mục tiêu này, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tiếp cận mạng xã hội cho trẻ. Chương trình cũng đặt ra yêu cầu tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời những phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát, chặn lọc việc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi...

Điều quan trọng là chương trình đề cập đến sự tham gia của các bậc cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần dạy trẻ cách phân biệt những thông tin nào là an toàn và thông tin nào là nguy hiểm từ Internet; dạy con chủ động trang bị tấm “áo giáp” để bảo vệ bản thân trước những thứ độc hại trên mạng. Những nguy cơ mất an toàn của trẻ em hoàn toàn có thể được nhận diện, phòng chống, giải quyết ngay trong những môi trường nhỏ như gia đình.

Mỗi bậc phụ huynh phải tự cập nhật kiến thức, công nghệ, cùng đồng hành với con trên không gian mạng. Trong mọi biện pháp thì việc trao đổi, kết nối giữa cha mẹ và con cái luôn có hiệu quả. Phụ huynh cũng nên tìm hiểu kỹ các quy định liên quan tới trẻ em để tránh vi phạm và để bảo vệ các con tốt hơn.

Ngoài ra, Cục Trẻ em khuyến cáo, khi thấy có nguy cơ bị tấn công hay xâm hại trên môi trường mạng, các em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 để nhận được sự trợ giúp và bảo vệ kịp thời.

Linh Đan (Tổng hợp)

Phụ huynh cần đồng hành với trẻ em trên môi trường mạng

Phụ huynh cần đồng hành với trẻ em trên môi trường mạng

Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc an toàn của con trên mạng, trong khi đó việc đồng hành với trẻ và giúp con hiểu những nguy hiểm trên mạng là một điều rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.