XEM VIDEO:

Mở đầu, ĐB Dương Trung Quốc cho biết, đây là lần phát biểu cuối cùng của ông ở nghị trường sau 20 năm tham gia. 

"Những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn phải hướng về phía trước, theo kịp thời đại. Nhưng tôi muốn nói những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở sau lưng mình. Nếu chúng ta ý thức được rằng chúng ta kế thừa một truyền thống của dân tộc, tổ tiên, truyền thống của Quốc hội, của các bậc tiền nhân, người tiền nhiệm"- ông Dương Trung Quốc nhìn nhận về hoạt động của Quốc hội. 

{keywords}
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội sáng 26/3

Ông Dương Trung Quốc điểm lại lịch sử về kỳ họp Quốc hội khoá 1 được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước vừa giành độc lập. Quốc hội khi đó họp ở Nhà hát lớn đã dành toàn bộ tầng trên cùng để cho báo chí, người dân có quyền được vào xem.

Từ điểm đó, ĐB mong rằng một ngày không xa người dân vào đây (Hội trường Diên Hồng - PV) không những được tham quan mà còn được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.

Về vấn đề chất vấn, ông nhìn nhận, hoạt động này có rất nhiều thay đổi, đặc biệt được tiếp sóng bởi các phương tiện thông tin, mang lại niềm tin cho người dân. 

Cuộc chất vấn đầu tiên vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 1 vào tháng 11/1946, không chỉ các thành viên Chính phủ mà cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn.

Sau cuộc chất vấn, Bác Hồ viết: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn 1 năm, hãy còn thanh niên; Quốc hội mới thành lập được 8 tháng, còn thanh niên hơn. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắt (cách nói của Bác), khó trả lời, đề cập đến những vấn đề quan hệ với vận mệnh quốc gia. Với sự trưởng thành về chính tri, quyết tâm vì việc nước ấy, ai bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

Từ đây, ông đặt ra vấn đề: “Đã bao giờ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước được chất vấn chưa? Ở những nhân vật ấy, tiếng nói ấy có vai trò cực kỳ quan trọng làm cho người dân tin tưởng hơn về bộ máy nhà nước của mình”.

Quốc hội là "tinh túy, tinh hoa"

Quốc hội đã có những thành tựu rất lớn như trong báo cáo Chủ tịch Quốc hội đề cập khi theo kịp với thời đại, ứng phó với tình huống, ứng dụng công nghệ cao nhưng ông Quốc cho rằng chưa làm được như ngày xưa và "đôi khi công nghệ cao lại đi ngược lại".

Cụ thể, ông đề nghị, khi ứng dụng việc bấm nút biểu quyết, thì không ai được biết chính kiến của từng ĐBQH, người dân sẽ giám sát được ĐBQH do mình bầu có chính kiến như thế nào.

Vấn đề khác được ông Dương Trung Quốc nêu là giám sát các đại án. Trách nhiệm của Quốc hội trong thời điểm mà nhân vật trong các đại án đó có liên quan đến thực tiễn mà Quốc hội không đề cập đến.

“Nếu chúng ta sáng suốt phát hiện được thì chúng ta ngăn chặn được, hạn chế được những thất thoát về tiền bạc, nhân lực”, ĐB Dương Trung Quốc đề cập.

Ông Quốc cho rằng, mỗi thành công của Chính phủ có vai trò của Quốc hội, nhưng mỗi thất bại, sai sót của Chính phủ cũng có trách nhiệm của Quốc hội, những đại án cũng có trách nhiệm của Quốc hội, ít nhất Quốc hội của nhiệm kỳ ấy.

Vấn đề cuối cùng được ông đề cập là về hành chính hoá cơ quan dân cử. ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ, năm nay, ông 75 tuổi: "Anh em trong Hội (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam-PV) vẫn đề cử ứng cử ĐBQH nhưng tôi bảo không, đến tuổi phải nghỉ thôi, vì chắc chắn tuổi tác đi ngược lại với sức khoẻ và sự sáng suốt".

"Nghỉ thì mình có cơ hội viết lại những gì đã chứng kiến. Tuy nhiên, tôi mong muốn rằng, đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính, đặc biệt với đại biểu chuyên trách - những người làm trọn vẹn cho Quốc hội, bởi họ đã có tích luỹ về mặt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng và đặc biệt là tích luỹ uy tín.

Tôi thấy hết sức làm tiếc nhiều vị phải dừng lại chỉ vì tuổi tác thôi. Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh tuý, tinh hoa, đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần tuý. Tôi rất mong đó thực tế để chúng ta cố gắng thay đổi trong nhiệm kỳ tiếp theo", ông Quốc đề nghị.

Trần Thường - Hồng Nhì

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật"

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật"

Nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến sự liêm chính, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.