Con gái 5 tuổi của tôi, sáng nào cũng có một chuyến du hành cùng mẹ. Chúng tôi dậy sớm, tắm nước mát, bỏ những bộ quần áo ngủ vào giỏ mây chờ giặt, rồi hai mẹ con tôi sẽ sửa soạn quần áo, buộc tóc thật xinh, sau đó chúng tôi đi học, đi làm bằng xe đạp.

Tôi đạp xe cùng con bé qua trường mẫu giáo, hướng dẫn và tập luyện nhiều lần cho con, từ cả năm trước đây, về cách ước lượng khoảng không gian trước khi nhấn pê-đan sang đường, cách giữ sự an toàn khi có chiếc ô tô nóng vội nhấn còi phía sau, hay chiếc xe chậm chạp, chình ình phía trước...

Con bé rất vui vì điều này, chiếc xe đạp màu hồng sáng chói là niềm vui, thậm chí niềm tự hào của nó. Chiếc xe vừa như người bạn nhỏ, lại như “con ngựa thồ”, là cơ hội để nó vận động cho tiêu trừ khối năng lượng luôn luôn dư thừa, chực chờ bùng nổ trong cơ thể của một con nhóc con bé tẹo, cũng là cách để nó nhắn nhủ đến thế giới này rằng, nó đã lớn rất nhiều.

{keywords}

Nhưng mà, ở trường mẫu giáo của con, chỉ có mình con tôi đạp xe đến lớp. Dù tôi tuyệt đối không bao giờ để cho con đạp xe một mình, những vòng bánh xe đạp của tôi luôn lăn cùng con bé trong phạm vi 3m, thì tôi vẫn không hiểu lí do gì mà nhiều vị phụ huynh khác đã ngoái cổ lại mà bảo với tôi rằng, tôi thực sự rất liều!

Liều! Tôi ấn tượng mãi với câu nói ấy và cứ so sánh mãi. Những đứa trẻ trong cái thế giới này, ngoại trừ con tôi, có lẽ chúng đang được an toàn?

An toàn có phải là ở liên tục trong những ngôi nhà đóng cửa, làm bạn cùng Ipad? Hay an toàn là bố mẹ ký hợp đồng với hãng taxi, nơi lái xe chỉ toàn người xa lạ để gửi con đến trường? Giữa muôn vàn những chuyện bất an người ta vẫn khẳng định sự tin tưởng của mình vào hợp đồng với những người xa lạ? Những đứa trẻ không chịu nổi nắng trời và chỉ quen với nhiệt độ được điều chỉnh từ máy điều hòa lẽ nào được coi là những đứa trẻ đang sống trong an toàn?

Thực ra tôi hoàn toàn hiểu sự lo ngại về tình trạng giao thông hỗn loạn và khói bụi. Tôi hoàn toàn có đủ nhận thức để xác thực rằng đường phố bây giờ không phải như những con đường yên ả trước đây, không thể so sánh với những ngày bố mẹ bọn trẻ còn bé nhỏ. Nhưng nhất định tôi không cho rằng cần phải nhốt bọn trẻ vào trong cũi để chúng cắm cái cúi trước Ipad, do trí tưởng tượng của con người tạo ra.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng “vứt” con mình ra thì sẽ rảnh rỗi hơn. Trái lại, tôi phải đối diện với nhiều nhiệm vụ hơn. Con tập xe đạp, nghĩa là tôi phải về nhà sớm mỗi buổi chiều để thót tim nín thở canh chừng. Không bao giờ con đạp xe ra phố mà cuối vòng bánh xe lại không có chiếc xe đạp của tôi nối tiếp. Như thế nghĩa là tôi phải từ bỏ nhiều thú vui lắm chứ. Tôi phải dành thời gian cho con nhiều hơn hẳn thói quen chưng diện lên xe phóng vút đến sở làm. Tôi phải mồ hôi mồ kê mướt mải cùng con. Tôi “liều”, tôi “dại”, để đổi lại tiếng cười của con, những câu chuyện liên miên chẳng cuối chẳng đầu như giọt nước rửa trôi những u ám đọng tù trong cái đầu hay nghĩ ngợi của tôi.

Điều quan trọng nhất là sự có mặt của mẹ đối với con hàng ngày. Tôi biết và tin tưởng chính xác là như thế. Chúng ta có mặt ở bên con để lắng nghe con, cũng như ngẫm ngợi để hiểu điều con nói, phải chăng là ý nghĩa hơn nhiều việc bỏ thời gian ra, “xàm xí” trên mấy trang facebook! Tôi đi theo con mình bằng những vòng bánh xe chầm chậm, thay vì nhốt con trong phòng và đứng canh chừng. Tôi nói con nghe về những con đường. Đôi khi là những con dốc rất cao và cả những khi người ta cần phải bóp phanh để tốc độ sao cho giảm xuống. Nhưng tất cả thì người ta sẽ đến nơi người ta cần phải đến. Chỉ cần người ta đủ kiên trì với những vòng xe.

(Theo Dân trí)