Hưu non, hưu hắt, hưu buồn, trần tình có mấy dạng hưu hỡi người – đó là những tâm sự của người cao tuổi hiện nay khi bước vào tuổi hưu trí… Phải chăng, bước vào tuổi hưu thì hưu nào cũng buồn?
Dân mạng thời gian qua được trận “cười ra nước mắt” trước một bài thơ khuyết danh phân chia 10 dạng hưu trí, khiến ai bước vào ngưỡng tuổi hưu cũng thấy có chút “thân quen” xen lẫn bùi ngùi. Hình bóng về hưu quen thuộc chúng ta bắt gặp như sống lại trong mỗi dạng hưu được khắc họa.
Được biết, bài thơ tổng kết 10 dạng hưu phổ biến hiện nay của một tác giả khuyết danh. Theo đó, những “cảnh hưu” được khắc họa hết sức sống động, từ người hưu trí an nhàn cho tới người “hưu hắt” sớm tối; từ người bước vào tuổi hưu vẫn còn bề bộn những lo toan cơm áo cho tới những người chưa kịp “sướng” khi cầm tiền hưu trí thì lại phải chống chọi với tật bệnh.
Không mấy người được hưu trí đúng nghĩa
Bài thơ tổng kết chi tiết “10 dạng hưu”, khắc họa chi tiết 10 hình thức “nghỉ hưu” hiện nay của những người hết tuổi lao động, bước vào giai đoạn hưu trí. Danh sách 10 dạng hưu trong bài thơ gồm: Hưu trí, Hưu khùng, Hưu hâm, Hưu dê, Hưu tu, Hưu trâu, Hưu chó, Hưu non, Hưu ma và Hưu hắt. Ở mỗi dạng hưu, tác giả dành ra một khổ thơ để khắc họa cách “nghỉ” hưu của từng nhóm người với những tổng kết sâu say và chân thật.

Đáng chú ý, trong 10 loại hình hưu nói trên: Nếu các dạng hưu trí, hưu tu, hưu non được người đọc cảm thấy “vậy mới là hưu”, vậy mới là điều chúng ta hướng tới thì hưu khùng, hưu dê là 2 dạng hưu đáng khinh bỉ, chê cười.
Trong khi đó, 4 dạng hưu khác gồm: hưu trâu, hưu chó, hưu ma và hưu hắt lại là điều đáng buồn, khi người về hưu rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi; hoặc nhàn thân nhưng chưa nhàn tâm. Cũng là hưu đấy, nhưng sao cách “nghỉ hưu” của mỗi người lại khác nhau đến thế. Đây chính là thông điệp tác giả bài thơ muốn gửi gắm tới tất cả mọi người chứ không riêng người trong độ tuổi hưu.
Không trực tiếp nói về tình trạng của bản thân, nhưng bác Đỗ Duy Ánh (Gia Lam, Hà Nội) bình luận: Bài thơ tổng kết 10 loại hình hưu đúng quá, đọc thấy chí lý và đúng với rất nhiều người, trong đó có ông. Xin trích 2 nhóm hưu có thể coi là “đỉnh” và “đáy” để chúng ta có cái nhìn so sánh. Nếu hưu trí được miêu tả là: “Về hưu đi nhảy, đi câu. Tham quan, du lịch Tây, Tàu liên miên. Chẳng lo cơm áo gạo tiền. Vô tư thanh thản không phiền lụy ai. Đây là hưu trí không sai. Nhưng mà thiên hạ mấy ai có nào?”
“Đúng là thiên hạ mấy ai được hưu trí khi mà phần đông người cao tuổi ở Việt Nam đa phần chưa có lương hưu, còn những người được hưởng lương hưu thì cũng chưa chắc đã được an nhàn. Tôi cho rằng, số lượng người được coi là hưu trí như bài thơ miêu tả chỉ đếm trên đầu ngón tay tại khu dân cư chúng tôi đang sống mà thôi”, bác Ánh tâm sự.
“Hưu non” và nỗi buồn người không lương hưu
Chung quan điểm với bác Ánh, bác Nguyễn Thị Duyên (63 tuổi, sống tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) tâm sự: Không nhiều người được hưởng hưu trí an nhàn đâu, nhóm người bị xếp vào đối tượng hưu hắt, buồn đến não nề có khi chiếm phần nhiều hơn. Đọc lại bài thơ có đoạn: “Về hưu chưa kịp dưỡng già. Đã coi bệnh viện như nhà của riêng. Bao nhiêu sở thích phải kiêng. Đái đường, huyết áp, bệnh tim, đại tràng. Loãng xương, tiền liệt, bàng quang. Lương vừa mới lĩnh đã mang thuốc rồi. Cháu con mỗi đứa một nơi. Gọi là hưu hắt cuộc đời cô đơn”.
“Đấy, chưa kịp hưởng thụ thì lại phải lấy bệnh viện làm nhà. Khi mà bệnh tật đeo bám, phải sống trong cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi con cái ở xa, chống chọi với những căn bệnh tuổi già như thấp khớp, lão hóa… ốm triền miên thì còn gì buồn hơn, còn gì mà tha thiết”, bác Duyên “ngán ngẩm” nói. Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng người cao tuổi cần chăm sóc y tế tại Việt Nam tăng lên hàng năm cùng với tốc độ già hóa dân số hiện nay. Do đó, cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi sẽ là một gánh nặng lên các quỹ an sinh xã hội trong thời gian tới.
Thực tế, khát khao tuổi già được an nhàn là mong ước của tất cả những người cao tuổi nói chung. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi hưu, nhiều người cao tuổi vẫn chưa được an nhàn, chưa được nghỉ ngơi. Bài thơ “10 dạng hưu” có thể nói là đã khắc họa chân thực đời sống hưu trí của người Việt. Theo bác Duyên, ai mà chẳng biết: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Thế nhưng mấy ai trông nhờ được con cái, bởi nhiều gia đình con cái khó khăn bố mẹ còn phải giúp sức thì lấy đâu chúng báo hiếu, lấy đâu ra nơi mà cha mẹ cậy nhờ.
“Vật chất có thể thiếu thốn, nhưng tinh thần mà cũng thiếu và phải sống trong cô đơn thực sự là nỗi ám ảnh với nhiều người. Thế nên, nếu không được nhàn thân thì phải nhàn tâm. Chỉ mong con cái đỡ vất vả thì cha mẹ cũng đỡ lo lắng; chỉ mong gia đình êm ấm, đoàn kết thì cha mẹ cũng đỡ phiền lòng. Đôi khi sự an nhàn nó cũng chỉ cần có vậy, chứ không hẳn lương hưu nhiều hay được đi đây đó như đẳng cấp “hưu trí” mà mọi người vẫn hằng ao ước đâu”, bác Duyên kết luận.
Một trong những nỗi buồn khác mà người cao tuổi ở Việt Nam đang gặp phải chính là hưu non hoặc không có lương hưu. Khi tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh như hiện nay, người không có lương hưu sẽ trở thành nhóm đối tượng hưu hắt, yếm thế cần sự trợ giúp của cả cộng đồng.