- Dù cho kết hợp cùng nhau thêm bao nhiêu lần nữa, những câu chuyện của Hà Trần và Trần Tiến kể vẫn ru hồn khán giả vào những âm hưởng say đắm.
Giữ đúng lời hứa với khán giả trung thành của In the Spotlight. Ekip thực hiện chương trình "Hà Trần hát Trần Tiến" đã mang lại thật nhiều sự bất ngờ thú vị.
Bất ngờ ngay từ ca sĩ mở màn của đêm nhạc, không phải là ca sĩ chính Trần Thu Hà bước ra sân khấu, cũng không phải là tác giả của các ca khúc được trình diễn trong chương trình mà đó lại là ca sĩ, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng.
Với giọng hát mộc mạc, dầy ấm đầy nội lực và phong thái biểu diễn rất phủi, Tạ Quang Thắng khiến cho khán giả gợi nhớ tới hình ảnh của nhạc sĩ Trần Tiến thời trẻ đắm say với âm nhạc du ca.
Cùng với liên khúc Thành phố trẻ và Ngẫu hứng Phố, không gian âm nhạc Trần Tiến nổi lên với sức sống và sự tươi mới, trẻ trung. Tạ Quang Thắng thể hiện một phần của "Mùa Xuân gọi" để mời Trần Thu Hà ra sân khấu.
Tạ Quang Thắng dường như mang dáng dấp lãng tử giống NS Trần Tiến thời trẻ. |
Cô chia sẻ rằng Lúc đầu nhận lời tham gia chương trình In the Spotlight 2016 Hà Trần cảm thấy khá phân vân và do dự. Bởi 4 năm về trước đã có một đêm nhạc Trần Tiến - Hà Trần rất thành công. Tuy nhiên, khi nghe nhạc sĩ Hồng Kiên tâm sự là hàng đêm anh đã trải các bản nhạc của Trần Tiến ra trước mặt và lẩm nhẩm nói chuyện với các bản nhạc ấy. Anh coi những bản nhạc như người bạn và soi chiếu mình trong những ca khúc đó.
Cảm động trước tình cảm chân thành, sự nhiệt huyết và sức sáng tạo của Hồng Kiên với âm nhạc nói chung và với những tác phẩm của Trần Tiến, điều đó khiến Hà quyết định về Hà Nội để hát nhạc của người ruột thịt.
Và Hà bắt đầu trôi trên dòng sông âm nhạc của Trần Tiến với Mùa xuân gọi, Phố nghèo, Dòng sông mùa thu, Em vẫn như ngày xưa, Hà Nội buồn thương nhớ ơi, Ngẫu hứng sông Hồng.
Thu Hà hồn nhiên kể "xấu" chú mình là ông rất nhạy cảm, chỉ nhìn một sợi tóc rơi là trào dâng xúc cảm. Nhưng ông chỉ biết viết nhạc cho chính ông chứ không bao giờ viết cho người thân, còn bài "Dòng sông mùa thu" tiện thì tặng cho Thu Hà mà thôi!
Trần Thu Hà hiểu rõ âm nhạc của Trần Tiến, cô hát từ trái tim nên tiếng hát tràn ngập cảm xúc. Thời gian trôi qua, cùng với những trải nghiệm đã khiến tiếng hát của Trần Thu Hà dầy hơn theo năm tháng. Khán giả không còn thấy một Thu Hà thiên về kỹ thuật, hát nắn nót và phá cách. Trong đêm thu này, tiếng hát của Trần Thu Hà đep một cách lạ thường, đầy âm vang, trào dâng niềm hân hoan mà đong đầy xúc cảm.
Những tình cảm của gia đình, về người thân, về mẹ và nhất là những kỷ niệm về Hà Nội và tuổi thơ luôn ám ảnh chú cháu Trần Thu Hà. Vì thế trong các sáng tác của Trần Tiến luôn có Hà Nội, có cha mẹ và gia đình với người chị, người em...
Hơn cả một mối lương duyên nghệ thuật giữa chú cháu Hà Trần. |
Những sáng tác của Trần Tiến luôn là những câu chuyện giản dị từ đời sống, sự chân thành, mộc mạc, nét hồn nhiên nhưng trĩu nặng tình là vẻ đẹp đặc trưng của âm nhạc Trần Tiến.
Điều xúc động nhưng khá hài hước là khi Hà Trần chia sẻ về ca khúc "Sắc mầu" được người chú viết tặng riêng. Ông viết ca khúc này năm 2000 khi mổ ruột thừa.
"Năm 2000 khi tôi ngoài 20 tuổi chú Trần Tiến thương tôi nên viết tặng ca khúc Sắc mầu. Chú mổ ruột thừa và viết tặng tôi. Chú đâu biết rằng chú đã trao tặng tôi cái chết lâm sàng của chú. Tôi là một đứa con gái, tôi không phong trần từng trải. Tôi cảm thấy chú đã sống hộ tôi một quãng đời và tôi được chuyển giao năng lượng từ chú. Điều đó người ta hay gọi là mã gen. Tôi giống chú hơn là giống bố.
Chú Tiến không dám đi hát vì bố tôi đã hát hay rồi và vì thế chú biết là hát sẽ không bằng Trần Hiếu thế là chú đi viết nhạc và chúng ta mới có nhạc sĩ Trần Tiến như ngày nay".
Hà Trần thể hiện "Sắc màu" bằng một bản phối hoàn toàn mới lạ. Đầy sự tươi mới, tràn đầy năng lượng chứ không âu sầu như phiên bản cũ.
Hà Trần kể "xấu" chú ruột trước mặt khán giả, thừa nhận giống chú hơn giống bố. |
Ca khúc hấp dẫn tới mức nhạc sĩ Trần Tiến phải bước lên sân khấu thốt lên lên lời khen ngợi và cảm ơn nhạc sĩ Hồng Kiên.
"Tôi chả có gì để nói cả, cháu tôi và bạn bè của cháu tôi làm cho tôi hôm nay hết sức bất ngờ, tôi không ngờ bài hát của mình được phủ lên sự sang trọng, không có một chút gì của thủ thuật lăng nhăng của âm nhạc thị trường, đây là âm nhạc thưởng thức. Tôi không thể nói gì về âm nhạc của tôi, nhưng tôi ngồi tôi nghe đây đích thực là âm nhạc Hà Nội, để thưởng thức rất sang trọng. Hồng Kiên cho tôi một món ăn. Không phải nhạc Pop, không phải nhạc du ca. Tôi xúc động về cháu tôi và các bạn tôi một thì tôi xúc động vì các bạn 10. Bởi tôi không ngờ các bạn yêu nhạc của tôi như thế. Xin cảm ơn rất nhiều"
Sau khi Hà Trần trình bày ca khúc "Rock đồng hồ", khán giả còn tiếp tục được nghe nhạc sĩ Trần Tiến giới thiệu lai lịch, xuất xứ của bài hát này cũng như cả một giai đoạn "tiền vận" kém may mắn của ông.
"Tôi không nghĩ là cháu tôi lại hát bài này, tôi còn không nhận ra bài của tôi nữa. Tôi rất ghét nói về bài hát của mình. Bài hát mà cứ phải đi giải thích cho công chúng là bài hát tồi. Tôi ăn ở phần hậu vận, tiền vận tôi như con chó lang thang rách rưới ở Hà Nội. Tôi viết ở đâu thì bị cấm ở đó, tôi không có duyên với chính quyền. Ấy thế mà chính quyền lại trao cho rôi Huân chương lao động, giải thưởng nhà nước nữa. Vì thế tôi mới thấy hậu vận của tôi may mắn và không bị bắt.
Giai điệu tổ quốc bị cấm, Đôi mắt hình viên đạn bị cấm, Thành phố trẻ bị cấm, Vết chân tròn trên cát bị cấm, cứ viết bài gì là bị cấm bài đó. Điệp khúc tình yêu bị cấm, Mùa xuân gọi bị cấm. Bài hát bị cấm vì có "Xì đế" là uống rượu, hôn cũng bị cấm trong Điệp khúc tình yêu. 12 năm sau, bác Xuân Hồng ra bài hát "Mùa xuân bên cửa sổ", bài hát có 12 lần hôn. Lúc đó Điệp khúc tình yêu mới được hát. Tôi không trách cuộc đời, không trách chính quyền, chẳng trách ai mà vì số tôi nó khổ thế đấy. Vì tôi đi cầm đèn chạy trước ô tô.
Tôi đã từng bị công an bắt và trốn ở sông Nhiêu Lộc vì những ca khúc này. Một bà cụ già chưa bao giờ nghe nhạc đã che chở tôi như một du kích. Cụ già đã nuôi tôi trong 6 ngày liền, rồi tôi liên lạc với bạn bè và ra Bắc, tôi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Chính ông bảo Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động lòng yêu nước.
Lần đầu tiên, nhạc sĩ Trần Tiến kể chi tiết về quá khứ lận đận đến khó tin của mình. |
Nói về bài hát Chiếc đồng hồ nói về 3 cái kim, cái anh mỏng manh nhất là kim giây không ai nhắc đến, người ta chỉ hỏi cái anh ngắn ngủn ấy mấy giờ rồi, không ai hỏi mấy giây rồi. Cuộc đời là như vậy. Nhân dân chúng ta trong những năm tháng đó không ai được để ý, người ta chỉ để ý mấy anh mập mập, béo ú. Đến khi đồng hồ chết người ta mới nhớ đến nhân dân, nhớ đến kim giây".
Khán giả vỗ tay không ngớt khi nga câu chuyện hài hước, thú vị nhưng đầy chua xót mà nhạc sĩ Trần Tiến cũng như các đồng nghiệp của ông đã trải qua trong một giai đoạn đầy ấu trĩ bởi những người làm văn hóa của đất nước.
Trong đêm nhạc của Trần Tiến, ngoài khách mời là ca sĩ Tạ Quang Thắng, khán giả còn được thưởng thức tiếng hát của Ygaria - con trai của ca sĩ Y Moan với chùm ca khúc viết về Tây Nguyên. "Cây đàn Chapi và Ngọn lửa cao nguyên".
Cả hai khách mời đều biểu diễn rất sung, làm cho đêm diễn có sự chuyển đổi sắc màu âm nhạc đa dạng tươi sáng, khỏe khoắn, khiến cho bữa tiệc âm nhạc thêm phần đậm đà hơn.
Hà Trần chọn ba ca khúc: Mẹ tôi, Điệp khúc tình yêu, Quê nhà để kết thúc phần biểu diễn của cô trong đêm nhạc "Hà Trần hát Trần Tiến". Khán giả còn đầy sự tiếc nuối và ngỡ ngàng, dường như không ai muốn tin rằng đêm nhạc kết thúc ở bài hát Quê nhà. Bởi còn quá nhiều các ca khúc hay của nhạc sĩ Trần Tiến chưa được trình bày trên sân khấu.
Điều quan trọng hơn cả là ngoài giọng hát ngọt ngào, điêu luyện của Hà Trần khi nhắc tới âm nhạc của Trần Tiến, khán giả luôn liên tưởng tới hình ảnh vị nhạc sĩ xù xì, bụi phủi, phiêu bồng với tiếng huýt sáo đặc biệt cùng giọng hát rất ấm áp, đó chính là nhạc sĩ Trần Tiến.
Bước đến đỉnh cao của nghề, Hà Trần hát kỹ thuật mà như không, cảm xúc ngày càng đong đầy và say đắm hơn. |
Khi còn đang ngỡ ngàng, ngơ ngác tiếc nuối thì tiếng hát ấm nồng vang lên cùng tiếng ghita quen thuộc. Quả nhiên, ban tổ chức In the Spotlight đã dành sự bất ngờ thú vị nhất cho khán giả. Bởi âm nhạc Trần Tiến mang đậm phong cách du ca.
Ở ngoài sảnh của cung Việt Xô, một chiếc bục sân khấu được kê thật giản dị và Trần Tiến hát Mặt trời bé thơ cùng Thanh Phương, Ygaria, Tạ Quang Thắng và Đinh Mạnh Ninh. Một khung cảnh thật gần gũi, bình dị. Khán giả đồng loạt vây quanh nhún nhảy vỗ tay và hòa cùng lời ca "Tạm biệt chim én" cùng vị nhạc sĩ già Trần Tiến.
Mỹ Hạnh