Cuối năm 1943 đầu năm 1944, một bộ phận quân phát xít Đức thuộc Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Nam sau khi bị Hồng quân đẩy lùi qua sông Dnepr, đã lập tại đây tuyến phòng thủ mới tạo ra một "chỗ lồi" sang phía đông (Vòng cung Dnepr) mà đỉnh của nó chạm vào sông Dnepr, có chiều sâu khoảng 100km, chiều rộng khoảng hơn 120km.

Lực lượng Đức bố trí tại đây có 2 TĐQ ở hai cánh, với tổng cộng 140.000 quân, 991 pháo và súng cối, 243 xe tăng, 50 pháo tự hành, 17 pháo chống tăng... Với việc ở đây, quân Đức xem như chia cắt chính diện mặt trận hữu ngạn Dnepr giữa Phương diện quân (PDQ) Ukraina 1 và PDQ Ukraina 2 (Liên Xô).

{keywords}
Binh sĩ Liên Xô chiến đấu tại trận Korsun–Shevchenkovsky. Ảnh: Wikipedia

Mọi liên lạc giữa hai PDQ này đều phải bằng đường không hoặc đi vòng đường bộ với hai lần qua sông Dnepr, cản trở việc cơ động bộ binh, pháo binh và xe tăng giữa hai phần mặt trận. Chỗ lồi Korsun-Shevchenkovsky còn tạo ra nguy cơ đe dọa sườn trái của PDQ Ukraina 1 lúc này đã tiến sâu về phía tây hơn 300km và sườn phải của PDQ Ukraina 2 vừa giải phóng thành phố Kirovograd.

Ngoài ra, đây còn là bàn đạp để quân Đức có thể tấn công tái chiếm thành phố Kiev. Chính vì lí do này mà Hitler từ chối yêu cầu rút quân của Thống chế Erich von Manstein, Tư lệnh Cụm TĐQ Nam.

Trong tình hình đó, ngày 12/1/1944, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân quyết định tiến hành chiến dịch hợp vây Korsun–Shevchenkovsky nhằm thanh toán “chỗ lồi” này. Tham gia chiến dịch có bộ đội PDQ Ukraina 1 do Đại tướng Vatutin chỉ huy, huy động 4/9 TĐQ, và PDQ Ukraina 2 do Đại tướng Konev làm tư lệnh huy động 6/10 TĐQ thuộc biên chế (kể cả không quân). 

Vào lúc 5 giờ 50 phút sáng 24/1, hơn 2.500 khẩu pháo trên tuyến đầu của PDQ Ukraina 2 đồng loạt khai hỏa, xen kẽ với các loạt pháo phản lực Katyusha là các loạt súng cối 120mm, tạo thành các hành lang hỏa lực công phá tuyến phòng thủ bên ngoài và chia cắt tuyến này với tuyến phòng thủ bên trong của quân Đức. Hơn 300 phi vụ cường kích và ném bom được không quân Liên Xô thực hiện trên toàn địa bàn khu vực, kể cả các sở chỉ huy quân Đức.

Chỉ sau bốn ngày, các TĐQ xe tăng Cận vệ 5 và 6 của Hồng quân đã hoàn toàn bao vây cụm quân Đức ở khu vực Korsun–Shevchenkovsky.

Việc Hitler cố ép quân Đức phải bám trụ tại Cherkasy (khu vực tiếp giáp cuối cùng của quân Đức với sông Dnepr ở phía bắc) cũng như giấc mơ lấy lại Kiev của ông ta đã đẩy quân Đức vào tình trạng bị đe dọa từ hai bên sườn. Từ ngày 4/2/1944, quân Đức tung ra đòn phản công gồm 7 sư đoàn xe tăng và 5 sư đoàn bộ binh để giải vây cho cụm quân bị vây nhưng không thành công.

Ngày 17/2, Hồng quân thanh toán xong cánh quân Đức trong vòng vây. Trong số hơn 33.000 quân Đức bị bao vây, có khoảng 27.000 người thiệt mạng, 1.500 người bị bắt. Trong các cuộc phản công giải vây từ bên ngoài, khoảng 28.000 sĩ quan và binh lính Đức chết và bị thương. Chỉ có một nhóm nhỏ khoảng hơn 4.000 quân chia thành nhiều toán lẻ chạy thoát khỏi vòng vây. Trong số quân Đức tử trận ở Korsun có Trung tướng pháo binh Stemmermann, tư lệnh Quân đoàn bộ binh 11 thuộc TĐQ 8. Thống chế Manstein bị Hitler buộc tội “giết chết hàng nghìn người Đức” và mấy tháng sau bị cách chức.

Kết quả của trận “tiểu Stalingrad” ở Korsun–Shevchenkovsky đã mở ra các hướng tổng tấn công của Hồng quân Liên Xô trong mùa xuân năm 1944 cắt đôi mặt trận của Cụm TĐQ Nam (Đức), buộc quân Đức phải rút khỏi Ukraina ba tháng sau đó.

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Nguyên Phong

Chuyện kể về một đoàn quân oai hùng của Hồng quân Liên Xô

Chuyện kể về một đoàn quân oai hùng của Hồng quân Liên Xô

Lịch sử dường như đã sắp xếp để 2 trong số 4 tập đoàn quân (TĐQ) nổi tiếng nhất Thế chiến thứ hai đối đầu nhau tại chiến trường ác liệt nhất-Stalingrad.

Trận chiến dưới nước đặc biệt nhất Thế chiến hai

Trận chiến dưới nước đặc biệt nhất Thế chiến hai

Trong lịch sử hơn một thế kỷ tàu ngầm hiện đại, các tàu ngầm đã nhiều lần va chạm nhau và tham chiến.