- Ngoài 6 trạm thu phí hiện hữu trong khu vực nội thành và 10 trạm thu phí bao vây xung quanh, sắp tới TPHCM sẽ xây mới thêm 4 trạm thu phí nữa trong giai đoạn 2016 - 2025 nhằm hoàn vốn đầu tư các dự án.
Trạm thu phí giăng khắp nơi..
UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ GTVT về tình trạng trạm thu phí đang hoạt động và sắp xây dựng thêm trên địa bàn TP. Theo đó, hiện địa bàn TP có 6 trạm thu phí (có 4 trạm thu phí hoàn vốn đầu tư theo hợp đồng BOT và 2 trạm thu phí phục vụ công tác bảo trì công trình).
Sáu trạm thu phí hiện hữu bao gồm trạm xa lộ Hà Nội (quận 9 và quận Thủ Đức) hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc, dự kiến thu phí đến năm 2045; trạm cầu Bình Triệu hoàn vốn cho phần 1 giai đoạn 2 dự án đầu tư cầu Bình Triệu tuy đã hết thời gian hoạt động từ ngày 7/7/2015 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động đến năm 2032 để thu phí hoàn vốn giai đoạn 2 của dự án; trạm An Sương - An Lạc đến năm 2033 mới hết thời gian hoạt động; trạm cầu Phú Mỹ hiện chưa rõ thời gian kết thúc thu phí; trạm trên đường Nguyễn Văn Linh; trạm trên đường Võ Văn Kiệt.
Trạm thu phí xuất hiện khắp các cửa ngõ ra vào TPHCM. |
Ngoài ra, trên các trục đường cửa ngõ ra vào TP hiện có 10 trạm thu phí. Cụ thể trục đường QL1K có 03 trạm thu phí đặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. QL13 có 02 trạm thu phí đặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương được bố trí cách nhau khoảng 20km là trạm Vĩnh Phú và trạm Suối Giữa. Trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương ngoài trạm thu phí Chợ Đệm còn có 02 trạm đặt tại tỉnh Long An (trạm Bến Lức, trạm Tân An) và 01 trạm đặt tại tỉnh Tiền Giang (trạm Thân Cửu Nghĩa).
Trên trục đường QL1 có trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai - tỉnh Đồng Nai, cách TPHCM khoảng 4,4km và cách trạm thu phí Xa lộ Hà Nội 13,6km...
Đó chưa kể, 4 trạm trạm thu phí dự kiến xây dựng từ 2016 nhằm hoàn vốn đầu tư cho các dự án gồm: Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Q.9. Dự án xây dựng đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng QL 22.
Đừng vì lợi nhuận trước mắt (!)
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng: mật độ trạm thu phí dày đặc đang khiến nhiều DN vận tải lo lắng giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng, lợi nhuận giảm. Đó là chưa nói đến tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian vận chuyển hàng hóa lâu hơn.
Đơn cử, một đoạn đường dài chỉ 5 km từ ngã ba Tân Vạn (Đồng Nai) về Tân Uyên (Bình Dương) có đến 5 trạm thu phí, bình quân 1 km/trạm. Từ Vũng Tàu về Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng phải 8 lần qua trạm thu phí...
Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia nguyên cứu giao thông nhiều năm tại TPHCM cho biết, tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, quy định khoảng cách giữa 2 trạm thu phí trên cùng một tuyến đường là 70km.
Ông Phạm Sanh |
Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng như TPHCM có nhiều trạm thu phí chỉ cách nhau chỉ từ 30 đến 40km, thậm chí còn thấp hơn, hoạt động theo hình thức BOT.
Ông Sanh nêu rõ: đặc thù các dự án BOT đều của trong nước, thu hồi vốn khá chậm, mức độ rủi ro xây dựng cao. Do đó, các doanh nghiệp khi triển khai dự án thường chia nhỏ dự án, đặt trạm thu phí dày đặc không đúng khoảng cách quy định để phục vụ hoàn vốn, tiếp tục tái đầu tư dự án.
Ví dụ, trạm thu phí Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) nằm trên trục đường nối liền với QL1 và chỉ cách trạm thu phí cầu Đồng Nai đặt tại QL1 khoảng 15km, còn từ trạm thu phí cầu Đồng Nai đến trạm thu phí An Sương - An Lạc (cũng trên QL1) chỉ hơn 30km.
Ông Sanh nói thêm: “Hiện không chỉ có TPHCM mà các địa phương khác cũng đầu tư án dự án theo hình thức BOT. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước không có. Trước nhu cầu bức thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng buộc lòng Nhà nước phải cho các doanh nghiệp nhảy vào đầu tư khai thác theo hình thức Xây dựng- chuyển giao- khai thác.
“Rõ ràng, không ai phản đối thu phí, nhất là trong tình hình đòi hỏi phát triển hạ tầng giao thông ngày càng cao trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước lại quá eo hẹp. Nhưng việc mở rộng hệ thống thu phí như thời gian vừa qua là quá tùy tiện, thiếu quy hoạch, đụng đâu làm đó”- ông Sanh nhìn nhận.
Ông Sanh nói thêm "Người dân đã chịu mức phí cầu đường không nhỏ. Một chiếc xe vốn đã phải cõng đủ thứ loại thuế và phí, trong đó có khoản quỹ bảo trì đường bộ, nhưng đi đến đâu vẫn phải mua đường đến đó. Hệ quả này sẽ làm kìm hãm sự phát triển về mọi mặt về kinh tế- xã hội sau này.
Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải chịu thiệt hại, phí cao buộc doanh nghiệp sẽ tăng giá sản phẩm và người dân lại lãnh đủ. Do đó, Chính phủ cần phải xem lại, tính toàn vĩ mô hơn, đừng vì lợi nhuận trước mắt. Không thể cứ công trình xây dựng nào cũng áp dụng hình thức BOT".
Tuấn Kiệt