“Trạm Ôm một cái”
Chiều cuối tuần, L.N.H.M. (26 tuổi, quận 5, TPHCM) lặng lẽ gửi xe rồi đi lên những bậc thang cũ kỹ để vào quán cà phê nhỏ xinh. Chọn mẩu giấy có sẵn, M. ngồi viết ra những tâm sự không muốn bày tỏ cùng ai.
M. là khách thường xuyên của dự án Trạm Ôm một cái (quận 1, TPHCM), nơi mọi người có thể chia sẻ tâm tư của mình qua những lá thư tay.
Trạm Ôm một cái được chị Nguyễn Vũ Mỹ Hạnh (30 tuổi, Long An) thành lập cách đây 1 năm. Năm ấy, Hạnh cảm thấy mình mệt mỏi, chênh vênh giữa cuộc sống.
Để tự chữa lành, Hạnh làm một cái xe chất đầy hoa tươi. Trên xe, Hạnh ghi dòng chữ: "Hôm nay, nếu vui bạn ghé trạm viết lại vài điều, còn nếu buồn hãy nhận một nhành hoa, rồi tụi mình ôm nhau một cái”.
Rồi chị nhận ra không chỉ mình mà nhiều bạn trẻ cũng có tâm sự, nỗi lòng không thể nói cùng ai.
Hạnh quyết định mở quán cà phê nho nhỏ làm nơi cho những người đang chênh vênh trong cuộc sống giãi bày, chữa lành bằng hình thức viết thư tay. Hạnh đặt tên cho quán là Trạm Ôm một cái.
Hạnh chia sẻ: “Trong lúc khổ đau, bế tắc, đôi khi chỉ cần một cái ôm, chúng ta cũng có thể tìm được niềm vui, cảm thấy được chia sẻ. Vì vậy, tôi đặt tên quán là Trạm Ôm một cái.
Trạm là nơi dành cho người có tâm sự, nỗi buồn có nhu cầu thư giãn, trút bỏ muộn phiền bằng cách trò chuyện hoặc viết thành những lá thư tay”.
“Sơ cứu” cảm xúc
Khách đến trạm có thể viết thư để giãi bày tâm tư hoặc hồi âm bất kì lá thư nào mình đã đọc. Người đến cũng có thể tìm bạn qua hoạt động tìm bạn tâm thư.
Viết xong, khách có thể mang thư về, gửi lại trạm hoặc nhờ trạm gửi đến người mình muốn. Các bức thư được Hạnh quản lý bằng hệ thống CRM (hệ thống quản lý khách hàng).
Mỗi bức thư đều có mã riêng để xác định thời gian, người gửi. Trạm còn có sổ tay để khách ghi lại tâm sự và cho phép mọi người cùng đọc.
Hoạt động chưa lâu nhưng Trạm Ôm một cái được giới trẻ ví như nơi "sơ cứu cảm xúc". Bởi, sau khi giãi bày tâm sự qua thư tay, khách nhận về sự động viên, chia sẻ từ nhiều người.
Hạnh nói: “Trạm có hộp thư chung. Khách viết xong, dán lại rồi đặt vào hộp này. Người đến sau có thể lấy thư ra đọc.
Nếu cảm thấy mình có thể chia sẻ, khách sẽ viết thư hồi âm. Nếu không, khách gửi thư ấy tại quầy. Trạm sẽ đọc và tìm cách hỗ trợ trong khả năng”.
Hạnh nhớ trường hợp 2 cô gái đến trạm trong tâm trạng vui tươi. Nhưng khi rời đi, một cô gái để mảnh giấy ghi lại nỗi đau vừa mất bạn trai vì tai nạn giao thông.
Không muốn bạn bè, người thân lo lắng, cô luôn tỏ ra vui vẻ. Nhưng trong thâm tâm, cô đau đớn, tuyệt vọng đến suy sụp.
Đọc thư xong, Hạnh viết bài chia sẻ kinh nghiệm giúp cô gái sớm vượt qua nỗi đau của mình.
Một lần khác, Hạnh đọc bức thư chứa đầy tâm sự tiêu cực của một học sinh. Không đủ khả năng chia sẻ, Hạnh tìm đến một giáo viên, nhờ người này phản hồi thư, hướng dẫn bạn học sinh vượt qua khó khăn.
Lê Dạ Thảo (24 tuổi, nhân viên Trạm Ôm một cái) cho biết, trạm còn là nơi kết nối, giúp nhiều người tìm thấy nhau. Một trong số này là 2 bạn trẻ đã trở thành vợ chồng nhờ hoạt động tìm bạn tâm thư của trạm.
Ban đầu, cả hai là người xa lạ, đến trạm viết thư. Sau ít tháng đọc, viết thư cho nhau mà không biết mặt, cả hai hẹn gặp nhau.
Sau cuộc gặp, hai người tìm hiểu rồi yêu nhau. “Điều khiến tôi vui nhất là cô gái đã cầu hôn bạn trai của mình tại trạm và chụp ảnh cưới tại đây. Hiện, cả hai đã kết hôn”, Thảo chia sẻ.
Mỹ Hạnh tâm sự: “Khách đến trạm đa số là người có tâm tư, thậm chí có tổn thương. Nhiệm vụ của trạm là đem đến không gian đủ ấm áp, tin cậy để họ thoải mái giãi bày tâm tư, nỗi lòng theo những cách họ muốn.
Thông qua trạm, tôi muốn mọi người cảm thấy mình không yếu đuối, không cô đơn khi nói ra những nỗi buồn của mình. Bởi xung quanh chúng ta còn nhiều người đồng cảnh ngộ sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia”.