Chị Nguyễn Thị Ly ngụ tại Lạc Long Quân (Hà Nội) đang rao bán trên facebook cá nhân những mẻ trám nếp đen Cao Bằng - đặc sản quê ngoại chị. 

Chị Ly chia sẻ, từ tháng 8 đến tháng 10 Dương lịch hàng năm là mùa của những quả trám đen Cao Bằng. Trong hai loại trám, trám trắng có vỏ màu xanh lục và trám đen có vỏ màu tím thẫm, thì loại trám đen thơm ngon, ăn bùi nên được ưa chuộng hơn hẳn. Do đó, giá trám đen cũng đắt hơn trám trắng 2-3 lần.

“Trám đen luôn được gọi là đặc sản Cao Bằng. Đây cũng là một món ngon nổi tiếng của người dân quê mình. Loại quả này có thể kết hợp với nhiều món khác khiến ai đã từng thưởng thức đều bị nghiền. Khác với trám tẻ, loại trám nếp đen ăn rất bở, bùi, thơm và béo ngậy”, chị Ly nói.

{keywords}
 Trám nếp đen Cao Bằng tươi vào mùa thu hái

Vì từ nhỏ chị gắn bó với những cây trám đen nên chị Ly cho hay, loại cây này thân thẳng rất cao, chỉ mọc ở miền núi. Bởi thế, để thu hái được loại quả này khi vào mùa, người dân phải leo trèo khá vất vả và nguy hiểm. 

“Một năm, trám nếp đen chỉ có một mùa mùa thu hoạch là mùa thu. Dù được chế biến kiểu gì thì món nào có trám cũng thơm ngon. Khi cho quả trám vào miệng, nhai kỹ sẽ thấy vị bùi, vị ngọt rất riêng. Ở nhà mình, mọi người hay nấu xôi trám đen ăn vừa lạ, lại ngậy mà không ngấy; hoặc mẹ nấu trám nhồi thịt, trám kho cá ăn rất đưa cơm”, chị Ly tấm tắc.

Tiểu thương này cho biết, trám nếp đen tại Cao Bằng có số lượng ít hơn hẳn trám trắng nên dù người nhà đã thu mua của các hộ trong bản cũng chỉ được khoảng 20 kg/ngày. Sau khi mua trám đen tươi về, phải chế biến ngay mới ngon.

Theo chị Ly, nếu một số quả khác khi hái về chỉ cần ninh nhừ hay luộc chín là ăn được, thì với trám khi bứt trên cây về rửa sạch, cho vào nước đun sôi thì quả cứng như đá, chát đắng không thể ăn được. Ngược lại, trám phải ngâm trong nước lã từ 2-3 giờ cho hết nhựa, rửa sạch. Sau đó, tùy theo sử dụng trám om hay trám nấu mà có hình thức nấu khác nhau.

{keywords}
Trám đen được tách bỏ hạt

Đơn cử nếu để om, nên ngâm trám với nước ấm khoảng chừng nửa tiếng thì chín, cùi có màu vàng, vị bùi, béo ngậy. Khi trám nguội, sờ thấy mềm, thôi hết nước đen thì vớt ra, dùng dao sắc cắt dọc quả trám, tách bỏ hạt. Trám om chấm với tương, ăn kèm với thịt ba chỉ luộc thì ngon tuyệt vì vị bùi, béo ngậy.               

Nhưng nếu trrám nấu thì phải chế biến cầu kỳ hơn. Đây là trám đã được om chín, sau đó cho thêm muối, đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn, đem đổ vào vại ngâm để ăn dần. Cách nấu trám này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Hiện 1kg trám nếp đen Cao Bằng có giá bán 125.000 đồng/kg, rẻ một nửa so với năm ngoái là 250.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc luân chuyển trám đến các vùng miền gặp khó khăn nên trám đại hạ giá.

{keywords}
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay giá trám đen rẻ bằng nửa năm ngoái

Vì thế, chị Ly tiết lộ nhiều bà nội trợ đặt mua cả 5-10 kg về chia nhau hoặc ăn dần. Chị cũng chỉ giao hàng cho khách mua từ 5kg trở lên, còn chuyển đi các tỉnh thành khác khách phải đặt 30 kg trở lên. Phí vận chuyển khách trả theo cước của phương tiện chuyển hàng. 

Hiện mới vào mùa trám đen Cao Bằng, nhưng trên chợ mạng, hầu hết tiểu thương chỉ rao bán với giá từ 90.000-130.000 đồng/kg tùy loại trám đen Cao Bằng hay Hà Tĩnh. Trong đó, các bà nội trợ ở thành phố đặt mua nhiều vì cho rằng, loại trám này tốt cho sức khỏe, nhất là với những người ăn chay.

Chia sẻ về công dụng của trám nếp nói riêng và quả trám nói chung, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho hay, trám có tính ấm, ngọt, chát, vị chua, tác dụng thanh nhiệt giải độc và trị nhiều bệnh liên quan đến hô hấp, là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Quả trám chứa nhiều đạm, vitamin và đặc biệt là vitamin C, rất tốt để chữa bệnh kiết lỵ, đau đầu, chóng mặt, viêm phế quản.

Thảo Nguyên 

Trám non đầu mùa 50 nghìn/kg, mua về muối ăn dè mùa dịch

Trám non đầu mùa 50 nghìn/kg, mua về muối ăn dè mùa dịch

Gần 2 tháng nữa trám mới bắt đầu chín, nhưng trám nếp non đầu mùa Tuyên Quang đang rất được lòng các bà nội trợ thành phố vì vị ngon, bùi, ngậy của đặc sản vùng quê này.