Ngày 31/3/2023 hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa diễn giả uy tín. Nhiều bản tham luận tại hội thảo đã đưa ra các ý tưởng, sáng kiến hướng tới phát huy tiềm năng của Khánh Hòa, tạo nên động lực và sự khác biệt trong phát triển.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, điểm đặc biệt - khác thường của các tài nguyên biển Khánh Hòa: Tất thảy đều là tài nguyên hạng nhất, hội tụ trong một tỉnh, trở thành một địa chỉ hiếm có không chỉ ở Việt Nam, tạo thành lợi thế phát triển gần như “tuyệt đối” của Khánh Hòa. Trong đó, đặc biệt là sản vật trầm hương. Sự giao hòa núi lửa Tây Nguyên với biển kết tinh thành Trầm Hương - được coi là linh khí của trời đất. Đây là biểu tượng “độc tôn” nổi tiếng toàn cầu, biển Khánh Hòa trở thành thành xứ sở trầm hương.
Tuy nhiên PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng tầm vóc và lợi thế to lớn, đẳng cấp quốc tế của các tài nguyên phát triển mà Khánh Hòa sở hữu là không có gì phải nghi ngờ những chưa chuyển hóa thành “lợi thế cạnh tranh”, do đó chưa tạo ra lợi ích phát triển và sự giàu có thực tế cho Khánh Hòa như có thể. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Khánh Hòa phải biến các tiềm năng, lợi thế so sánh thành động lục phát triển và sức cạnh tranh hiện thực. Trong đó, trầm hương sẽ ngành kinh tế hội nhập với thế giới tốt nhất vì có tính văn hóa và tư tưởng toàn cầu.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, Khánh Hòa cần đặt trong xu thế phát triển chung của thế giới. Trong thời đại ngày nay quy mô không bằng tốc độ, kinh nghiệm không bằng tư duy đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, quy mô kinh tế dù nhỏ, nhưng nếu đổi mới tư duy sẽ có thế vượt lên.
Theo ông Trương Đình Tuyển, tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện một chiến lược phát triển bao trùm để bảo đảm tập trung nguồn lực cho những vùng có ưu thế cạnh tranh tốt nhất, tạo ra tác động lan tỏa cao nhất.
Về khả năng đưa trầm hương trở thành sản vật tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt nhất cho Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch công ty Trầm hương Khánh Hòa - đã chia sẻ tâm huyết về sản vật này tại hội thảo.
“Nhà sử học Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” đã đúc kết “Trầm hương là linh khí của đất trời”. Khi được đốt lên ngoài công dụng giáng khí, trị các chứng phong hàn, đuổi được các loại khí độc thì trầm còn tạo ra linh khí kết nối đất - trời, kết nối thế giới phàm trần với thế giới linh thiêng trong không gian đầy mỹ cảm của hương thơm. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các tôn giáo lớn từ Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… đều sử dụng trầm trong các nghi lễ quan trọng và ca ngợi trầm hương “là gỗ của các vị thần, là vua của các loại hương liệu”. Có thể thấy, trầm hương chính là ngôn ngữ tâm linh chung của Việt nam và các nền văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng”, ông Tưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tưởng đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh những giá trị về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, dược tính và những công dụng của trầm hương đối với sức khỏe thể chất và tinh thần con người cũng cần được công nhận rộng rãi. Đặc biệt, trầm hương Khánh Hòa sở hữu mùi hương tinh tế vượt lên trên tất cả do những điều kiện đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này tạo nên.
Ông Tưởng cho biết vào tháng 5/2023, công ty Trầm hương Khánh Hòa sẽ ra mặt sản phẩm dược làm từ trầm hương với sự hợp tác quốc tế. Theo ông Tưởng, đó là những bước đầu tiên trên con đường xây dựng nền kinh tế trầm hương, hệ sinh thái trầm hương và Khánh Hòa hoàn toàn có khả năng trở thành thủ phủ trầm hương của thế giới.
GS. John A. Quelch - Đại học Harvard, Hoa Kỳ được mệnh danh là "bậc thầy phù thủy thương hiệu" đã đánh giá cao sức hút từ văn hóa Thiền - Trầm độc đáo. Theo ông, mùi hương nồng ấm của trầm sẽ tạo nên sức hút lớn của thành phố Nha Trang với thế giới.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tưởng trình bày ý tưởng xây dựng "Làng Hòa bình và Sáng tạo Nha Trang" với trung tâm không gian văn hóa thiền trầm là một bước đột phá.
“Dự án làng hòa bình và sáng tạo ở Nha Trang, mục tiêu đầu tiên là phát triển rừng trầm và nghề trầm, hay nói cách khác biến nó thành một không gian văn hóa trầm hương Khánh Hòa để nhân dân trong nước và thế giới đến và tìm hiểu sản vật trầm hương.
Làng Hòa Bình và Sáng tạo sẽ kiến tạo một không gian hưởng thụ, sống và làm việc đẳng cấp thế giới dành cho những tri thức tinh hoa, qua đó, biến Khánh Hòa thành cái nôi của đổi mới sáng tạo. Làng hòa bình và sáng tạo sẽ được phủ xanh bởi cây trầm và cây mai - một loài cây tạo hương, một loài cây tỏa sắc. Dưới tán cây trâm, cây mai, nhiều người từ các quốc gia trên thế giới sẽ tìm được tiếng nói chung trong không gian linh thiêng, trong sạch và hướng thiện của trầm”, ông Tưởng nói về ý tưởng mà mình đã ấp ủ từ lâu.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston đánh giá cao ý tưởng về xây dựng làng Hòa Bình và Sáng tạo của ông Nguyễn Văn Tưởng. Điều này giúp tạo ra môi trường sống tốt, đẳng cấp để thu hút những nhà sáng tạo khắp nơi trên thế giới đến làm việc ở Nha Trang. Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, trầm hương sẽ tạo ra sự khác biệt, có thể kết hợp giữa công năng sử dụng và giá trị văn hóa chiều sâu nên sẽ dễ thâm nhập vào thị trường toàn cầu.
P.V