Xã An Thạnh Trung đang khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, mời gọi doanh nghiệp, huy động nguồn lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Đây là xã duy nhất của huyện Chợ Mới có địa hình tiếp giáp bờ sông Hậu và 3 tuyến trục giao thông chính, còn tiềm năng chưa khai thác, đó là quy mô diện tích sản xuất lớn 2.400ha (400ha màu, cây ăn trái, còn lại 2.000ha là đất lúa).

{keywords}
Một góc xã An Thạnh Trung.

Trong khi nhiều nơi xâm nhập mặn, khô hạn, thì An Thạnh Trung cũng như huyện Chợ Mới sở hữu hệ thống kênh, sông ngòi chằng chịt, nước ngọt phù sa quanh năm, đất đai màu mỡ. Đến nay, cầu, đường giao thông nông thôn được kiên cố nâng cấp, mở rộng. Cùng với hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, vận chuyển hàng hóa thủy, bộ thuận tiện, thông suốt; lực lượng lao động nông thôn dồi dào...”.

Bên cạnh đó, xã tập trung phát triển nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ 1/3 diện tích sản xuất lúa sang trồng màu, vườn cây ăn trái; tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện dự án mở rộng nâng cấp đường kênh xáng A-B; xây dựng mới 4 cầu bê-tông; mời gọi 10-15 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư phát triển trên địa bàn. Chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng vườn, màu; đất giao thông, đất ở, đất dịch vụ, diện tích 680ha, mời gọi từ 2-3 doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn; phát triển mới 4-5 mô hình sản xuất nông nghiệp; hợp tác xã thành lập mới 1 cơ sở sấy khô trái cây.

Tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy. Tập trung mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư phát triển thương mại, xây dựng chợ gắn cụm dân cư, các doanh nghiệp khác đầu tư cơ sở dịch vụ cặp 2 bên tuyến Tỉnh lộ 944, 946.

Để phát triển kinh tế, địa phương đã quy hoạch lại các tiểu vùng sản xuất và 2 bên tuyến Tỉnh lộ 944, 946, tuyến đường trục kênh xáng A-B để mời gọi doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư. Cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.

Từ những lợi thế này, chính quyền xã đã phát huy dân chủ, khai thác lợi thế tiềm năng của địa phương, phát triển nguồn lực trong nhân dân, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp an toàn, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, xây dựng…

Ông Nguyễn Phước An cho biết: “Xã đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư 5 mô hình sản xuất rau màu, cây ăn trái an toàn theo chuỗi giá trị như: Công ty Fresh MêKông trồng cây tía tô xuất khẩu lá sang Nhật, Hàn Quốc 4ha; Công ty Antesco bao tiêu sản phẩm đậu nành rau 30ha; Công ty Chế biến nông sản thực phẩm Thuận Phong bao tiêu sản phẩm xoài Cát Chu, được UBND tỉnh An Giang duyệt chủ trương hỗ trợ vốn đầu tư hạ thế điện, bê-tông đường nội đồng ở vùng nguyên liệu An Thạnh Trung 3”.

Ngoài ra, nông dân trồng mận hồng đào đá, hoa lan trong nhà lưới... tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới đang sản xuất nước ép trái cây. 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã 554,860 tỷ đồng; thu hút 1.054 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đã đầu tư xây dựng mới cụm dân cư gắn với chợ... đang xúc tiến kêu gọi đầu tư thành lập Công ty may Hàn Quốc, siêu thị Lotte...

Sau 5 năm có nhiều bước đi đột phá, từ một xã khó khăn của huyện, An Thạnh Trung bứt phá vươn lên, đạt 18/19 tiêu chí, 48/49 chỉ tiêu nông thôn mới. Năm 2020 phấn đấu xã đạt nông thôn mới, đến năm 2025 đạt nông thôn mới nâng cao. An Thạnh Trung đã tiếp nhận các công trình dự án Nam Vàm Nao, tỉnh lộ 944 đưa vào vận hành, tranh thủ nguồn vốn ngân sách cấp trên và tập trung xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó đời sống người dân được cải thiện tích cực.

Kim Chi
Ảnh: Hồng Nhì