Luôn tìm cơ hội trong mọi hoàn cảnh
Nguyễn Thiện Từ Vinh sinh năm 1991, là con út trong gia đình có 3 chị em ở TP.HCM. Ba mất sớm, Từ Vinh sống với mẹ và hai chị gái. Nhưng tính cách của cô có phần cá tính và nổi loạn. Vì thế, Vinh không muốn mình bị gò ép trong khuôn khổ.
Năm 18 tuổi, Từ Vinh nhận thấy đại học không phải là con đường phù hợp với mình. Nhưng vì thương mẹ, cô vẫn đành “thi cho có” vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Năm đó, Vinh trượt đại học.
“Tôi không thấy có cảm hứng trước những công thức tính toán mà mình không hiểu, cũng không biết chúng sẽ được áp dụng như thế nào. Trong suốt ba năm cấp 3, môn tôi học giỏi nhất, có lẽ là Thể dục”.
Vinh trượt đại học, cả nhà ra sức thuyết phục cô ôn luyện để thi lại. Chiều ý mẹ và các chị, Từ Vinh vẫn tiếp tục ôn thi. Nhưng lần này, cô chuẩn bị cho mình “phương án 2” bằng cách luyện thêm tiếng Anh.
“Đây là điều tôi làm nghiêm túc nhất vì tôi nghĩ rằng tiếng Anh sẽ là công cụ mở ra cho mình nhiều cơ hội”.
Nguyễn Thiện Từ Vinh hiện đang làm việc ở New Zealand
Đến năm thứ 2, Từ Vinh tiếp tục trượt đại học do kết quả không mấy khả quan. Nhưng cô lại trúng tuyển vào một chương trình liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria Wellington của New Zealand nhờ kết quả thi tốt nghiệp và điểm IELTS. Đây cũng là cơ hội giúp Vinh được theo học chuyển tiếp 2 năm tại New Zealand.
Quả thực, môi trường đại học ở New Zealand khiến cô gái Việt có cảm hứng với việc học hơn rất nhiều.
Nhưng một rào cản khác Từ Vinh gặp phải chính là cú sốc về ngôn ngữ. Với IELTS 6.5, khả năng nói lưu loát và tự tin, nhưng khi qua New Zealand, cô lại không thể trò chuyện và nghe giảng. “Nếu phải thi lại, điều này là quá sức với tôi do học phí tại đây vốn đã cao hơn rất nhiều so với thu nhập của gia đình”.
Không muốn tốn kém và trở thành gánh nặng cho mẹ, vì thế nữ sinh đã xin đi dự thính những môn mình chuẩn bị học để được “nghe trước”. Mỗi môn được học kỹ tới 2 – 3 lần, nhờ vậy kiến thức sẽ càng khắc sâu hơn.
Ngoài ra, để phát triển ngôn ngữ, nữ sinh Việt cũng xin vào câu lạc bộ thuyết trình của trường. Đây cũng là nơi Từ Vinh vẫn tiếp tục tham gia, đến nay được hơn 7 năm dù cô đã sử dụng tiếng Anh thuần thục.
Vinh là người cá tính, ưa trải nghiệm
Vì gia đình chỉ có thể chu cấp học phí, trong khi mức sống tại New Zealand khá cao, Vinh phải đi làm thêm - chủ yếu là làm lao công trong siêu thị - để có chi phí trang trải cuộc sống.
Không coi đó là một trở ngại hay khó khăn, Từ Vinh cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải suy nghĩ lạc quan thì sẽ nhìn ra cơ hội cho mình.
“Vì luôn nhìn đó như một cơ hội nên dù làm lao công, tôi vẫn làm việc rất nghiêm túc. Tôi nói với người quản lý rằng mình học ngành Quản trị Kinh doanh. Nếu như có cơ hội, tôi rất muốn được làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này”.
Được tạo cơ hội, Từ Vinh đã áp dụng những kiến thức được học vào việc cải thiện quy trình hoạt động của siêu thị, hệ thống hóa mọi thứ để giảm tối đa thời gian thực hiện công việc. Nhờ đem lại những hiệu quả rõ rệt, cô đã được lên chức quản lý chỉ sau 1 tháng.
Biến thất bại thành công cụ để thành công
Năm 2014, New Zealand chỉ cho phép sinh viên ở lại một năm để tìm việc. Điều này một lần nữa đẩy Vinh vào tình huống đầy áp lực. Gọi điện về Việt Nam, cả nhà khuyên Vinh nên quay trở về vì cho rằng cô không thể tìm được việc tại New Zealand.
Trong suốt 1 năm, cô gái Việt dốc sức gửi hồ sơ tới gần 200 công ty lớn nhỏ. Một số công ty đồng ý cho Vinh phỏng vấn, nhưng cuối cùng vẫn từ chối.
“Có những lúc tôi vô cùng chán nản, nhưng một luồng suy nghĩ khác đã vực tôi dậy, là nếu như mình bỏ cuộc có nghĩa mình đã chấp nhận thất bại”.
Vì thế, thay vì nghĩ đến từ bỏ, Từ Vinh thường dành một ngày để tự suy nghĩ, làm những điều mình thích lấy lại tinh thần, sau đó tiếp tục cố gắng.
Bị từ chối 200 lần, theo Từ Vinh, đây là những bài học vô cùng giá trị. “Tôi luôn tự nhủ, sẽ có lúc nào đó, thất bại lại trở thành công cụ để giúp mình thành công. Mỗi lần phỏng vấn xong và biết mình tiếp tục bị đánh trượt, tôi thường hỏi nhà tuyển dụng lý do và xin lời khuyên để phát triển. Nhờ những điều đó, tôi tự rút ra bài học để lần sau làm tốt hơn.
... Tôi cũng không ngần ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng mình đã từng bị đánh trượt 200 lần. Thay vì bị đánh giá thấp, tôi lại nhận được sự trân trọng, bởi họ thấy được tôi là người biết chấp nhận mình sai và sửa sai, chịu học và chịu đi lên từ thất bại” - Từ Vinh nói.
Cũng trong thời gian này, Từ Vinh nhận thấy mình có thế mạnh về mảng nghiên cứu dữ liệu và quản lý hệ thống. Trong khi đó, lĩnh vực hệ thống số hóa và quản lý dữ liệu đang rất thiếu nhân lực tại New Zealand. Vì vậy, cô gái Việt thường xuyên tham gia các hội nhóm, kết bạn để học hỏi những người có kinh nghiệm, từ đó tham khảo ý kiến, nhờ kết nối, nhận xét về những điều bản thân cần cải thiện.
Bên cạnh đó, tham gia vào các khóa học online ngắn hạn để nâng cao trình độ.
Tháng 9/2016, cơ hội đến với Từ Vinh khi cô nhận được lời mời làm việc từ 3 Bộ của New Zealand cho vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu là Bộ Giáo dục, Bộ Điện lực, Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm. Cuối cùng, 9X Việt lựa chọn làm việc tại Bộ Điện lực.
Sau 18 tháng làm việc tại Bộ Điện lực, năm 2018, cô ứng tuyển vào Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm với vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu. Cô gái Việt một lần nữa đã thuyết phục được hội đồng tuyển dụng.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Vinh nói, bản thân từng tốt nghiệp với bằng trung bình khá và có điểm số dở tệ. Nhưng điểm số hay bằng cấp, điều đó không quá quan trọng khi bước chân vào thị trường lao động.
“Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, chưa có nhà tuyển dụng nào hỏi tôi về bảng điểm hay bằng cấp. Những câu hỏi của họ đều xoay quanh kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Đó mới là điều nhà tuyển dụng cần tìm kiếm ở một ứng viên.
Có một điều tôi luôn ghi nhớ, thất bại một lần không có nghĩa là thất bại mãi mãi. Cho dù cho bản thân có từng bị đánh trượt 200 lần, nhưng tôi vẫn luôn tin, nếu có sự kiên trì theo đuổi, chắc chắn bản thân vẫn có thể đạt được thành công bằng chính thực lực của mình”, Từ Vinh nói.
Thúy Nga
Những thứ 'hớp hồn' cô giáo Việt dạy tiểu học ở New Zealand
Giáo dục 'cá nhân hóa', cũng như giúp trẻ xây dựng nhân cách từ lứa tuổi tiểu học là những điều khiến cô giáo trẻ người Việt ở xứ Kiwi cảm thấy hứng thú.