Mô hình kinh tế chia sẻ thời chuyển đổi số
Có việc gấp phải về quê dự đám hiếu, xe ô tô cá nhân thì trót cho bạn mượn nên anh Huy Tuấn đành lên mạng tìm xe tiện chuyến/xe ghép để về quê. Chỉ cần đánh chữ xe tiện chuyến theo các tuyến cố định trên mục tìm kiếm của Facebook, hàng loạt hội nhóm liên quan xuất hiện. Anh gọi ngay vào 1 số hotline hỏi xe, giá cước, nơi đón thì chỉ 15 phút sau đã có xe tới cổng nhà anh.
Hành trình từ Hà Nội về quê Hà Nam của anh Huy Tuấn chỉ mất 1,5h (trong đó 40 phút cho việc tài xế lòng vòng gom đón khách và 50 phút cho thời gian xe chạy từ ngã ba Pháp Vân về tới quê) khiến anh khá hài lòng. Mức cước phí hợp lý (200.000-250.000/người tùy điểm đón cho tuyến Hà Nội - Hà Nam), thời gian xe chạy nhanh (thực tế đi chỉ 45 phút), điểm đón và trả khách rất linh hoạt, dễ dàng gọi xe 24/7 chính là những điều những người sử dụng dịch vụ xe tiện chuyến có thể cảm nhận rất rõ ràng.
Theo nhà báo Bùi An, một cây viết mảng công nghệ và xe nhận định, xe tiện chuyến/ xe ghép đang định hình lại thị trường vận tải hành khách các tuyến ngắn với cự ly dưới 400km. Mô hình này đang khiến các hãng vận tải hành khách truyền thống đau đầu (vì bị tranh mất khách và thị phần); trong khi các nhà quản lý cũng đang vất vả xây dựng hành lang chính sách (quản lý, thuế, giám sát...) để đưa hoạt động này vào khuôn khổ.
Sở dĩ đang có khoảng trống pháp lý về lĩnh vực vận tải mới này, bởi lẽ khác với xe khách truyền thống chạy các tuyến cố định phải đăng ký bến bãi, giờ xuất bến, có camera hành trình giám sát, có báo cáo cơ quan chức năng về doanh thu để nộp thuế và quản lý vận tải thì xe tiện chuyến gần như “ba không”. Tức là xe tiện chuyến chẳng cần vào bến, không có báo cáo doanh thu và cũng chẳng chịu sự quản lý nào. Thực tế, loại hình xe tiện chuyến đang hoạt động song song 2 hình thức, tự phát và doanh nghiệp nhưng cả 2 loại hình này đều rất khó… quản lý.
Chủ đề pháp lý của xe tiện chuyến, VietNamNet xin có riêng một bài để nói rõ hơn về vấn đề này và những góc nhìn của người trong cuộc (lái xe, chủ xe, người dùng dịch vụ).
Những điểm trừ của loại hình xe tiện chuyến
Bên cạnh những tiện lợi, xe tiện chuyến cũng có những điểm trừ "chết người" mà anh Tuấn và các hành khách thấy rất rõ. Cụ thể, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, kiểm tra tin nhắn để gom bắt khách (lúc đón) và vừa lái xe vừa thu tiền (lúc trả khách) là điểm trừ đầu tiên với loại hình này. Kế đến là các hành vi vi phạm giao thông của lái xe có thể thấy là… liên tục trong suốt hành trình chuyến đi. Từ chuyện đè vạch liền, vạch xương cá cho tới chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh, vượt ẩu, bóp còi tùy tiện và đặc biệt là đi cả vào đường cấm để đón khách là điều hành khách sử dụng dịch vụ dễ thấy nhất.
Chia sẻ về những hành động có thể coi là “phản cảm” này, anh Huy Tuấn thừa nhận: Lái xe do phải kiêm quá nhiều chức năng, từ điều khiển phương tiện, gom/đón trả khách, thu ngân cho tới điều phối khách cho các xe khác… nên việc tập trung cho nhiệm vụ chính là lái xe bị lơ là, thậm chí có lúc là coi thường tính mạng hành khách. “Lúc trả khách ở nút giao Liêm Tuyền (TP Phủ Lý, Hà Nam), do mải trả lại tiền thừa cho khách mà lái xe suýt va vào người một lái xe ôm đang lao tới trước đầu xe. Thậm chí, những cú đạp ga “hết nấc” để kịp thời gian đón trả khách khiến những người ngồi trên xe thót tim, nhất là các cụ cao tuổi”, anh Huy Tuấn dẫn chứng cụ thể.
Được biết, lái xe tiện chuyến có 2 dạng chính: Một là lái xe góp xe ô tô cá nhân với 1 đơn vị vận tải hay cùng lập hội nhóm với nhau để chia sẻ khách và cùng ăn chia; Hai là chạy thuê cho các đơn vị vận tải có sẵn xe để nhận công theo từng chuyến. Ví dụ, mỗi lần "bắn" hay giới thiệu khách cho nhau, các tài xế được "cắt phế" 50.000 đồng/người. Với những lái xe chạy thuê (như cuốc xe anh Huy Tuấn sử dụng), lái xe được trả công 300.000 đồng cho 2 chiều Nam Định – Hà Nội và ngược lại.
Những ngày chạy hết công suất (những dịp lễ Tết), các tài xế có thể đi được 3 chuyến (6 lượt đi về), với công dao động từ 900.000 đến 1,1 triệu đồng/ngày. Nhưng để có được thu nhập như trên, các lái xe phải làm việc liên tục quá 10 tiếng mỗi ngày (là không hiếm). Chính điều này đang vi phạm nghiêm trọng Luật giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe phải làm việc liên tục nên thường xuyên thiếu ngủ, mệt mỏi (và thậm chí có thể phải dùng chất cấm).
Trong khi đó về mặt pháp lý, những tranh cãi về loại hình xe tiện chuyến thời đại 4.0 hiện nay cũng là khoảng trống pháp lý cần sớm có lời giải. Bởi, việc xuất hiện loại hình vận tải hành khách này đang khiến các hãng xe khách đường dài khốn đốn, quy hoạch vận tải bị phá vỡ, những bất cập nảy sinh trong quản lý xe vào nội thành cũng như các nguy cơ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như thất thu ngân sách.
Nam Phương