Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Thái Nguyên được biết đến là vùng đất sơn thủy hữu tình với những địa danh nổi tiếng mang sắc màu huyền thoại, những đồi chè xanh mướt làm nên thương hiệu “đệ nhất danh trà”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản đặc sắc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích cấp quốc gia và 218 di tích cấp tỉnh…
Phát huy lợi thế, tiềm năng, hướng đến trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, Thái Nguyên xác định 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch MICE; du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà từng bước được đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Không gian văn hóa Trà - vùng chè Tân Cương, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên...
Nhiều điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm có thể kể đến Khu du lịch hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, hồ Suối Lạnh, hồ Vai Miếu, hồ Ghềnh Chè, suối Kẹm...
Trong phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn, tỉnh khai thác nhiều tuyến du lịch độc đáo: Di tích Lý Nam Đế (TP.Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên) - Đền Đuốm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa); Di tích Lý Nam Đế - Thiền viện Tây Trúc - Di tích Núi Văn, Núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ)...
Tăng trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách
Không chỉ phát triển các sản phẩm du lịch mới, Thái Nguyên còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phát triển du lịch thông minh. Việc đưa Hệ thống du lịch thông minh vào hoạt động gồm: Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh thainguyentourism.vn; trang du lịch thông minh mythainguyen.vn; App ThaiNguyen tourism hoạt động trên các thiết bị di động đã đem đến những tiện ích, trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Hiện Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh đã cập nhật lên hệ thống dữ liệu hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ, 46 điểm đến, 45 điểm giải trí, 117 nhà hàng, quán ăn, 19 điểm mua sắm. Hệ thống tích hợp công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo, phát triển các tính năng như nhận diện công trình kiến trúc, trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh…
Du khách có thể dễ dàng tương tác trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tìm thông tin về du lịch Thái Nguyên theo các nội dung như lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, bệnh viện, bến xe, bốt ATM... Những địa điểm này còn được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách thuận tiện tìm đến các địa điểm mong muốn.
Đến nay, hệ thống Cổng thông tin du lịch thông minh thu hút hơn 940.000 lượt truy cập, gần 1.400 lượt bình luận, yêu thích, chia sẻ từ du khách trên các nền tảng mạng xã hội. Đây được đánh giá là công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá, tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đang áp dụng chương trình chuyển đổi số thí điểm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa với trên 100 điểm di tích được định vị, số hóa 2D; triển khai số hóa 3D, ảo hóa (VR) tại khu vực 16 điểm di tích, đồng thời đưa khu Trung tâm dịch vụ ATK Định Hóa lên bản đồ Map 4D.
Tỉnh cũng cấp mã QR cho 283 cây trồng tại vườn cây “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” để quản lý danh mục cây lưu niệm; lắp đặt wifi miễn phí ở các khu du lịch, di tích, danh thắng; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản văn hóa, số hóa hồ sơ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... để khách du lịch dễ dàng tìm hiểu, tra cứu.
Điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn
Những thay đổi tích cực đã đem đến những con số biết nói. Trong 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến Thái Nguyên đạt gần 533.000 lượt, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Thái Nguyên đã đón khoảng 150.000 lượt khách, trong đó Khu du lịch Hồ Núi Cốc đón trên 40.000 lượt; Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa trên 9.000 lượt khách; Trung tâm Thương mại và Dũng Tân đón trên 25.000 lượt khách; Khu sinh thái Nhà Tôi Thái Nguyên đón khoảng 30.000 lượt…
Năm 2022, nhằm từng bước phục hồi du lịch sau đại dịch, cùng với thông điệp “Thái Nguyên điểm đến an toàn-thân thiện-hấp dẫn”, Thái Nguyên đã tung ra hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch hấp dẫn như phát động Tuần Văn hóa du lịch Thái Nguyên; đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc-Tây Bắc); tổ chức Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 4; đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2; tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 6 tỉnh vùng Việt Bắc, 8 tỉnh vùng Đông Bắc và TP.HCM; phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh gắn với tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch…
Thái Nguyên tự tin với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, đến năm 2025 đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm...
Ngọc Minh