Đất nước có hạ tầng giao thông yếu kém bậc nhất khu vực Đông Nam Á bỗng gây ngạc nhiên cho thế giới những năm gần đây khi đưa vào sử dụng hệ thống tàu đường sắt cao tốc 6 tỷ USD, rất hiện đại.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung do Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc thi công từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane là một siêu dự án giao thông của đất nước Triệu Voi. Công trình được khởi công năm 2016, hoạt động từ tháng 10/2021 với hợp đồng ban đầu trị giá 1,2 tỷ USD, sau đó tăng lên 6 tỷ USD. Trong ảnh, đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, được sơn 3 màu trắng, xanh và đỏ, tượng trưng cho quốc kỳ của quốc gia láng giềng với Việt Nam.
Phóng viên VietNamNet vừa có hành trình trải nghiệm tuyến đường sắt cao tốc này giữa hai tuyến Vientiane và Luang Prang một ngày trung tuần tháng 5. Suốt nhiều thế kỷ qua, Lào là quốc gia có hạ tầng giao thông hạn chế, yếu kém bậc nhất khu vực. Bởi vậy, khi hệ thống phương tiện công cộng hiện đại này khánh thành đã gây chú ý cho nhiều người dân các nước Đông Nam Á.
Hiện nay, hàng ngày tàu cao tốc thu hút rất nhiều người dân và du khách quốc tế sử dụng. Để lưu thông bằng phương tiện này, hành khách cũng phải trải qua các thủ tục soi chiếu hành lý, kiểm soát an ninh nghiêm ngặt.
Mọi người xếp hàng lên tàu, tự mang vác hành lý lên toa, không được ký gửi như khi đi máy bay. Nếu đặt vé trực tuyến, hành khách phải đăng ký tài khoản bằng đầu số điện thoại ở Lào. Còn khi mua vé trực tiếp tại ga, mọi người cần có hộ chiếu và đặt trước giờ tàu chạy. Thông thường vé mở bán trước 4 ngày.
Phần đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào dài 422km. Giá vé cố định, mỗi chặng có mức giá khác nhau. Các đoàn tàu đến ga và đi rất đúng giờ, chính xác từng phút như ở bảng thông báo.
Khi qua cửa kiểm soát, khách sẽ đưa vé kèm hộ chiếu cho nhân viên đường sắt để đối chiếu tên và quét mã.
Nếu như trước đây người dân Lào phải mất hơn 10 giờ để lưu thông bằng đường bộ từ Vientiane đến Luang Prabang thì hiện nay nhờ có tàu cao tốc, thời gian di chuyển đã rút ngắn chỉ còn chưa đầy 2 tiếng.
Anh Thế Dự, một người đến từ Việt Nam đang sắp xếp chiếc vali xách tay của mình sao cho gọn vào ngăn chứa hành lý. Khi ngồi trên toa, hành khách tự bảo quản tư trang, vật dụng cá nhân. Các loại túi xách có thể để trên giá hoặc dưới chân. Với các kiện hàng lớn hơn hay vali kéo đã có giá đỡ ở khu vực đầu toa.
Đoàn tàu có sức chứa 720 người, tốc độ tối đa 160km/h. Đứng bên cửa sổ, hành khách không bị cảm giác tàu chạy quá nhanh. Bên trong được thiết kế cách âm tốt, rất êm, không một chút bồng bềnh hay lắc lư dù đi qua nhiều đoạn rừng núi trùng điệp.
Ở các khoang, ngoài hệ thống đèn trần, đèn hắt, các cửa kính đều được mở để lấy sáng. Có tất cả 5 dãy ghế, trên ghế in biểu tượng hoa đại, một loại quốc hoa của Lào.
Địa hình hiểm trở, tàu đi qua nhiều đường hầm đào xuyên núi và hàng trăm km cầu, trong đó có một số cầu cạn. Hành khách hầu như không thể sử dụng mạng di động do dọc trục đường sắt không có cư dân sinh sống, các nhà mạng không đầu tư trạm thu, phát sóng.
Trên cửa ra vào, bảng hiện thị liên tục cập nhật thông số tốc độ di chuyển, thời tiết bên ngoài cũng như việc nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Các hàng ghế được đánh số điện tử phía trên cửa sổ, hệ thống bình bọt chữa cháy có trang bị đầy đủ. Trong khi tàu di chuyển, việc đi lại giữa các toa rất tiện, không bị lắc lư hay xê dịch ở các đoạn khớp nối.
Ở các toa phổ thông có khu vực bồn rửa tay ngay bên ngoài. Ngoài ra, các cabin vệ sinh rất sạch sẽ, nhân viên lau chùi liên tục mỗi khi có khách ra, vào.
Có hai toa hạng cao nhất nằm ở phía đầu tàu, cửa vào luôn đóng trong quá trình di chuyển và sử dụng khóa điện tử, tách biệt với các toa hạng phổ thông phía dưới. Giá vé cho toa hạng nhất đi từ Vientiane đến Boten là 529.000 kip Lào (khoảng 800.000 đồng), vé cho toa hạng hai là 333.000 kip Lào (khoảng 500.000 đồng), theo báo Laotian Times.
Chặng Luang Prabang - Vang Vieng dài 190km, giá vé khoảng 160.000 đồng, trong khi chặng Vang Vieng - Vientiane dài 130km giá 170.000 đồng/người, di chuyển mất gần một tiếng. Trong ảnh, ghế ở toa hạng nhất được thiết kế giống hạng thương gia trên máy bay.
Toa quầy bar nằm ở giữa đoàn tàu. Đồ ăn, thức uống không phong phú, khách có rất ít sự lựa chọn.
Theo đó, hành khách chỉ có thể mua bánh mì, nước lọc hoặc cơm phần tùy theo sự chuẩn bị của nhân viên. Không có mì ăn liền, cà phê hay một số đồ uống khác như trên thực đơn quảng cáo.
Khi mới khánh thành, báo chí hai quốc gia từng khẳng định, dự án đường sắt cao tốc này đã biến Lào từ một nước nội lục (không có biển) thành một trong các mắt xích kết nối vận tải quan trọng, giảm khoảng 30-40% chi phí vận chuyển hàng hóa so với đường bộ.
Báo South China Morning Post nói, theo thỏa thuận giữa hai bên năm 2016, Trung Quốc nắm giữ 70% liên doanh, Lào giữ 30% còn lại. "Do đây là dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOT), Chính phủ Lào sẽ tiếp nhận khai thác và nhận 100% lợi nhuận sau 50 năm", tờ Asia Times cho biết.
Tuyến đường sắt Boten - Vientiane là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với tham vọng kết nối Côn Minh tới Singapore trên tuyến đường sắt xuyên Á dài 5.500km. Trong ảnh, hành khách từ tàu ra khỏi ga được kiểm soát vé để đảm bảo đi và đến đúng chặng vé đã đặt mua.
Ngày 28/01/2023, East Asia Forum đưa tin, Lào đã trải qua những áp lực kinh tế và xã hội rất lớn trong năm 2022, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài đến hạn phải trả. Tăng trưởng GDP của Lào năm 2022 chỉ đạt 2,5%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Nợ công và nợ được bảo lãnh được dự đoán sẽ vượt mốc 100% GDP vào cuối năm nay. Cùng với đó là tình trạng mất giá mạnh của đồng kip, lạm phát gia tăng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Mặc dù tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào đã góp phần thúc đẩy du lịch song chưa đạt mong muốn do chủ yếu là khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, công trình đã góp phần tích cực trong giai đoạn nước này gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính. Để tăng hiệu quả, cần sớm hoàn thành kết nối với Trung Quốc và Thái Lan.
Lào đang tập trung phát triển hệ thống đường bộ quốc gia để đạt tiêu chuẩn ASEAN cũng như tiến tới ngang bằng với tiêu chuẩn hạ tầng của các quốc gia lân cận. Trong đó đã triển khai xây dựng hạ tầng đường giao thông tiểu vùng dọc hành lang kinh tế Đông-Tây gồm tuyến Quốc lộ 13 phía Bắc (Oudomxay-Pakmong), sửa chữa quốc lộ 9 (trung tâm Savannakhet đến biên giới Việt Nam), xây dựng đường 16B (Sekong-Dak Cheung-biên giới Việt Nam), quốc lộ 1A (Bounneua-Lantuoy).