‘Chuyến đi bão táp’

Đó là nhận xét của T. (25 tuổi, Hà Nội), du học sinh Anh, về chuyến đi của cô và 4 người bạn vào tháng 3 tại Anh.

Theo dự kiến, tháng 5, họ kết thúc việc học và trở về Việt Nam nên cả nhóm đã có một buổi đi chơi chung. Sau chuyến đi, T. có triệu chứng sốt. Trước thông tin về dịch Covid-19 bùng phát, cô lo lắng có thể mình đã nhiễm bệnh.

2 trong số 4 người bạn của T. đã trở về Việt Nam. Họ được xét nghiệm và đang chờ kết quả.

"Tại Anh, thời điểm đó, người dân khá chủ quan với dịch bệnh. Nhiều người ra đường không đeo khẩu trang và cũng không có nhiều thông tin tuyên truyền về dịch bệnh. Khi bị sốt, tôi gọi cho y tế. Người ta chỉ hướng dẫn tôi tự cách ly tại nhà", T. kể lại. 

{keywords}
Nữ du học sinh Anh tại BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh Lê Dũng

Lần khác, T. gọi điện thì không ai trả lời. Sau đó, cô nhận được tin nhắn với nội dung khuyên cô ở nhà tự cách ly, theo dõi.

"Hệ thống y tế bên này cũng khác ở Việt Nam. Ví dụ bệnh nhân đau bụng phải đặt lịch khám. Nếu lâu thì 1-2 tháng, nhanh cũng phải 1 tuần, bạn mới được thăm khám. Có trường hợp khi đặt được lịch khám, người bệnh cũng đã hết đau. 

Nếu muốn mua thuốc, bạn cũng phải có đơn của bác sĩ. Vì vậy, khi có một số triệu chứng như sốt, mỏi mệt, tôi rất lo lắng", T. chia sẻ. 

Dù 2 người bạn ở Việt Nam chưa có kết quả nhưng quá sốt ruột nên sau 1 tuần tự cách ly tại Anh, T. đã trở về Việt Nam vào ngày 17/3. 

‘Đến khu cách ly tập trung ở Sơn Tây (Hà Nội), tôi nhận được thông tin 2 người bạn của mình dương tính với SARS-CoV-2. Đang chờ kết quả xét nghiệm nhưng tôi đoán, có thể mình cũng đã nhiễm bệnh", T. nói.

Nhận kết quả dương tính vào ngày 18/3, T. được chuyển sang điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

"Thời điểm đó, 2 người bạn còn lại của tôi ở Anh cũng có triệu chứng tương tự nhưng họ không về được. Sau khi 3 chúng tôi về Việt Nam có kết quả dương tính, chúng tôi lập tức báo cho các bạn bên Anh. 

Các bạn không được xét nghiệm nên họ không biết mình có nhiễm bệnh hay không. Chúng tôi lập một nhóm tên là Antivirus chia sẻ các triệu chứng, hướng dẫn cách chăm sóc bản thân cho họ. 

Chúng tôi cập nhật thường xuyên những điều bác sĩ Việt Nam tư vấn. Khi các bạn ở Anh có thắc mắc gì, tôi hỏi bác sĩ điều trị cho mình rồi giải đáp cho họ. Các bác sĩ đều rất nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ thông tin cho chúng tôi", T. cho hay. 

Đến ngày 6/4, T. đã 3 lần có kết quả âm tính. 2 người bạn của T. ở Anh đã tự cách ly, chăm sóc sức khỏe tại nhà, hiện tại, sức khỏe của họ đã ổn định.

"Một chuyến du lịch quá dài, dự kiến đi 5 ngày mà nay hơn 1 tháng, tôi chưa thể về nhà", T. nói về chặng đường đã qua. Nhưng bệnh nhân này vẫn cảm thấy mình có nhiều may mắn.

"Gia đình tôi hoảng loạn khi sợ con không thể về kịp. Khi tôi về đến sân bay, bố mẹ mới thở phào: ‘Về được Việt Nam là yên tâm rồi’". 

Chuyến bay cuối cùng về Việt Nam

H. (30 tuổi, du học sinh Pháp) cũng có những ngày đáng nhớ khi cô là một trong những hành khách đáp chuyến bay cuối cùng từ Pháp về Việt Nam vào ngày 18/3.

Trước đó, khi đang du học tại Pháp, H. cảm thấy hơi đau đầu, mệt nhưng không nghĩ mình mắc Covid-19. Mặc dù vậy thông tin dịch bệnh bùng phát trên thế giới vẫn khiến nữ du học sinh lo lắng.

Theo H., tại Pháp, việc đi khám bệnh rất khó vì phải đặt lịch bác sĩ và chờ đợi. Nếu triệu chứng không quá nặng, người dân sẽ được khuyên nên tự cách ly tại nhà.

H. cũng có anh trai đang sinh sống tại đây. "Anh ở tỉnh khác và thời điểm đó, khu vực này không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Gia đình khuyên tôi sang chỗ anh để ‘lánh nạn’. Tuy nhiên, anh tôi có con nhỏ và tôi từng đi làm thêm, tiếp xúc nhiều khách hàng, nếu tôi bị bệnh sẽ lây nhiễm cho cháu nhỏ. Vì vậy tôi đã từ chối", H. tâm sự. 

Do H. sống một mình, không có người thân bên cạnh nên bố mẹ khuyên cô về Việt Nam.

{keywords}
Tại bệnh viện, H. tranh thủ học và làm bài tập. Ảnh Lê Dũng

Cô gái Hà Nội đặt chuyến bay vào ngày 19/3. Nhưng 20h tối 16/3, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố sẽ phong tỏa toàn nước Pháp trong 15 ngày, H. vội vàng đổi chuyến bay, về sớm hơn dự kiến.

Chỉ có 1 ngày để chuẩn bị, H. mang các đồ thiết yếu để dùng trong những ngày cách ly tại Việt Nam. Cô cũng gọi điện cho chủ nhà thông báo trả nhà, xin nghỉ ở chỗ làm thêm, nghỉ học ở trường… trong sự vội vã.

"Tôi đã bay chuyến cuối cùng từ Pháp về Việt Nam (ngày 18/3), trên máy bay có rất nhiều du học sinh. Một số bạn của tôi nằm trong số khoảng 40 người Việt bị mắc kẹt tại sân bay do chuyến sau đó bị hủy", du học sinh chia sẻ thêm.

5 ngày sau, chiều 22/3, khi đang ở trong phòng cách ly ở Sơn Tây cùng 8 người khác, H. nhận được một cuộc điện thoại thông báo cô dương tính với SARS-CoV-2.

Việc đầu tiên nữ du học sinh làm là báo cho tất cả những người mình từng tiếp xúc để theo dõi sức khỏe và tiến hành cách ly.

Chiều cùng ngày, H. được chuyển đến BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Mỗi buổi sáng, cô cùng các bệnh nhân khác được bác sĩ, y tá thăm khám (đo nhiệt độ cơ thể, đo huyết áp, tim mạch). Họ cũng được phát 2 viên thuốc để uống vào sáng và chiều.

‘Khi nhận tin nhiễm Covid-19, dù khá bất ngờ những tôi không quá lo lắng. Bởi tôi biết, về đến Việt Nam rồi, dù có bị nhiễm tôi cũng sẽ được chữa trị.

Đặt được vé máy bay, tôi an tâm phần nào và khi đặt chân xuống Việt Nam, tôi thở phào nhẹ nhõm. Dù có vấn đề gì, khi về quê hương, mình cũng yên tâm hơn’, cô gái Hà Nội nói thêm.

Bệnh nhân 109: 'Những cơn đau nửa đầu dồn dập, tôi ngửi đâu cũng thấy mùi ẩm mốc'

Bệnh nhân 109: 'Những cơn đau nửa đầu dồn dập, tôi ngửi đâu cũng thấy mùi ẩm mốc'

 - Khi có cảm giác mệt và đau nhức khắp người, anh H. đã nghĩ có lẽ do chuyến bay về nước kéo dài. Sau này, anh mới nhận ra đó dấu hiệu virus gây bệnh Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.  

Ngọc Trang - Nguyễn Liên