Một siêu thị hàng cao cấp tại Havana. |
Thẻ wifi là món hàng xa xỉ, du khách buộc phải dùng
Cuba có internet từ năm 2013 nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, ngay thủ đô Havana không phải hộ dân nào cũng lắp đặt internet. Nếu ở Việt Nam du khách dễ dàng kết nối wifi miễn phí thì tại Cuba, đó là dịch vụ xa xỉ.
Trong những ngày du lịch bụi tại Havana, giống như nhiều du khách khác, tôi phải tìm mua thẻ wifi ở một số điểm cung cấp hạn chế.
Du khách xuất trình hộ chiếu và chỉ mua được hai thẻ wifi giá 1 đô la Mỹ/thẻ, và một giờ sau mới có thể mua tiếp 2 thẻ khác. Người dân Cuba biết cách kinh doanh trước nhu cầu sử dụng wifi di động của du khách nên họ mua rồi bán lại với giá 5 đô la Mỹ/thẻ, mỗi ngày nếu bán được 10 thẻ họ có đủ tiền tiêu dùng cho cả tuần.
Xung quanh trung tâm Havana thường có từng tốp thanh niên đứng chào mời du khách mua thẻ wifi, họ rao bán wifi tựa như những người bán dạo ở Việt Nam rao bán bánh mì.
Thực tế thẻ wifi chỉ kết nối ở các địa điểm có trạm phát sóng trong cự ly gần, ngoài ra diện thoại di động sẽ mất tín hiệu khi di chuyển xa vị trí phát sóng. Gói cước wifi cho phép sử dụng trong một giờ, nhưng phần lớn chỉ sử dụng khoảng 30 phút là hết tiền.
Tôi đã gặp một tay cò bán thẻ wifi trước quảng trường Melacon. Người này chịu bán cho tôi 3 thẻ wifi giá 10 đô la Mỹ. Nhưng cho dù rất tiết kiệm, tôi sử dụng cũng chẳng được bao nhiêu khi kết nối internet để tìm đường bằng google map, xem tin tức, hoặc nói chuyện điện thoại viber và messenger.
Hàng hóa chưa phong phú và đắt đỏ với du khách
Xếp hàng trong cửa hàng thịt. |
Ở hầu hết các cửa hàng, siêu thị tại trung tâm Havana, người dân có thói quen xếp hàng trật tự, dù ít hay đông người và tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi giữa thời tiết nắng nóng.
Tôi cũng bước chân vào xếp hàng ở một cửa hàng thực phẩm bán thịt, chỉ để tò mò và tìm cảm giác trải nghiệm, chứ một mình tôi mua về khách sạn cũng không để làm gì, nhất là không có bếp riêng để chế biến.
Đến lượt tôi đứng trước quầy cân thịt, nhân viên bán hàng hỏi tôi mua bao nhiêu, tôi trả lời mua khoảng 100 gr thịt, họ cho biết không thể bán ít thế và chỉ tay số lượng thịt còn lại phải mua hết.
Trước mắt tôi, số thịt heo trong quầy đã gần cạn nên tôi vui vẻ nhường phần cho một người dân Cuba cạnh đấy mua hết phần còn lại, ước chừng 600gr hay 700gr thịt.
Thịt tươi hết nên những người kế tiếp chỉ có thể mua thịt đông lạnh. Tôi rời bước và nhìn sang các cửa hàng bán thức ăn nhanh, người ta cũng tiếp tục chờ tới lượt vì đang vào buổi ăn trưa.
Mùa hè, kem tươi ở Cuba đông khách, tôi cũng muốn thưởng thức mùi vị kem, nhưng không thể chờ vì ngoài trời quá nóng, đành vào siêu thị mua hai chai nước suối giải khát.
Ăn quà vặt trong khi chờ xếp hàng vào siêu thị. |
Giá cả ăn uống chỉ rẻ cho người bản xứ do Cuba sử dụng cùng lúc hai loại tiền, dân trong nước dùng đồng peso quốc gia (CUP), còn du khách phải trả bằng đồng peso chuyển đổi (CUC) cao hơn.
Cùng một cái bánh mì sanwich kẹp thịt như nhau, nhưng du khách phải trả gấp 5,6 lần so với peso quốc gia. Bánh mì ở Cuba khá cứng, các loại bánh ngọt bày bán ăn cũng tạm. Trái cây Cuba tựa như ở xứ ta. Ở đó, tôi thích uống nước ép xoài hơn là ăn cả trái vì to.
Trong các siêu thị, hàng hóa không phong phú, thực phẩm thịt nhiều hơn cá, các mặt hàng tiêu dùng bình thường như xà bông, kem đánh răng... đủ loại khiến tôi hơi ngạc nhiên do trước khi đi, các thông tin trên internet cho hay ở Cuba khan hiếm loại này.
Đến mức lúc đến Canada, tôi đã vào một siêu thị tìm mua vài bàn chải đánh răng, kem đánh băng, xà bông cục, định bụng sẽ làm quà cho ai đó thiếu thốn hoặc biếu cho người phục vụ khách sạn tôi ở, nhưng bây giờ tôi thấy điều đó trở nên dư thừa.
Chi phí tiêu dùng ở Cuba nhìn chung không cao, nhưng trong mọi giao dịch, du khách đều phải thanh toán bằng đồng CUC, tương đương với đô la Mỹ khiến số tiền tôi đổi tại sân bay Canada từ đồng euro sang peso đã cạn nhanh ngoài dự kiến chi tiêu.
Các tour du lịch ngắn ngày khởi hành từ Havana đi các điểm tham quan lân cận hay vé xem games show có giá ngang ngửa với Mỹ và Canada, dù dịch vụ chỉ ở mức trung bình.
Cửa hàng bán thức ăn nhanh ở Havana. |
Bánh mì kẹp thịt giá 3 CUC. |
Tác giả cùng một nhân viên bán bánh mì. |
Xoài Cuba. |
Trái cây đẹp nhưng không ngon bằng xứ ta. |
Nghe tiếng vó ngựa lóc cóc trên con đường đá cuội ở Cuba
Buổi ăn trưa bên bờ biển xinh tươi trên đường đến Trinidad, các du khách thêm phấn chấn vì sắp được trải nghiệm điều thú vị ở phía trước.
Đức Liên