Để các em học sinh có thể trải nghiệm việc trở thành sinh viên đại học là như thế nào, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây đã ra mắt các lớp "học thử đại học" bằng công nghệ thực tế ảo 360 độ. 

Lớp học thử nghiệm này có tên VNU-IS Virtual Tour. Trong đó bao gồm 9 lớp học đại diện cho 10 chương trình đào tạo bậc Cử nhân và chương trình Tiếng Anh dự bị tại Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. 

{keywords}
Trải nghiệm học online bằng công nghệ thực tế ảo.

Tại mỗi lớp học, người nghe sẽ có thời gian từ 8 - 10 phút để nghe phần trình bày về từng chương trình đào tạo của nhà trường. Tất cả đều được thể hiện bằng công nghệ thực tế ảo VR 360. Do đó, người tham gia sẽ có được trải nghiệm chân thực nhất thông qua việc đắm chìm vào không gian lớp học. 

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) với chiều không gian 360 độ đem đến cho người học trải nghiệm chân thật với sự hỗ trợ đa giác quan như thị giác, thính giác hoặc xúc giác. Điều này khiến lớp học thực tế ảo online khác hẳn khi so với các lớp học 2 chiều bằng video.

{keywords}
Khác với các lớp học qua video, lớp học thực tế ảo sẽ có không gian được tái tạo 3 chiều với âm thanh, hình ảnh sống động như thật. 

Chia sẻ về công nghệ này, bạn Phạm Thị Thanh Hằng (trường THPT Hậu Lộc 2, Thanh Hoá) cho biết: "Cá nhân em thấy trải nghiệm học thử đại học ảo rất thú vị. Mặc dù ngồi ở nhà, em vẫn được thăm quan trường và thấy trường rất đẹp với đầy đủ tiện nghi. Các thầy cô và anh chị nói Tiếng Anh hay khiến em rất ngưỡng mộ.". 

Đây là lần thứ 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội ứng dụng công nghệ này vào công tác tuyển sinh của mình. Trong bối cảnh mùa dịch, việc triển khai dự án lớp học thực tế ảo đã giúp các bạn học sinh và phụ huynh có thể thăm quan và trải nghiệm môi trường học đại học từ xa thay vì phải đến tận nơi như trước. 

Theo đại diện Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, để chuẩn bị cho chương trình học thử nghiệm trên môi trường thực tế ảo, đơn vị này đã phải bỏ ra khoảng 1 tháng cho việc quay dựng và phát triển nội dung. 

Kinh phí để thực hiện dự án rơi vào khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, phần lớn số tiền này dùng để chi trả cho đội ngũ kỹ thuật. Nhiệm vụ của đội ngũ này là quay các video bằng thiết bị chuyên dụng, sau đó ghép chúng lại để dựng thành môi trường thực tế ảo. 

Phần nội dung bài giảng được đảm nhiệm bởi chính đội ngũ giáo viên trong trường. Một số bạn sinh viên cũng được huy động để hỗ trợ cho dự án. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy và học tập đều được mang từ đời thực lên phim, không hề được lên trước kịch bản hay lời thoại. 

{keywords}
Có tổng cộng 9 lớp học khác nhau được đưa vào tour "thử nghiệm làm sinh viên đại học" của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi được hỏi về tiềm năng phát triển mở rộng của dự án thành các lớp học online, đại diện đơn vị này cho biết, việc triển khai rộng hơn hơi khó đối với Khoa do phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ của bên thứ 3. Tuy vậy, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện cũng đang triển khai các lớp học online để phục vụ cho người học. 

Ở thời điểm hiện tại, đơn vị này đang hỗ trợ việc học online bằng cách tặng các gói cước dữ liệu và triển khai dịch vụ mượn sách online, ship đến tận nhà cho sinh viên. 

Ngoài ra, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội còn có các hoạt động online như cuộc thi thử thách plank hay các cuộc thi viết để duy trì sự gắn kết giữa nhà trường vừa người học.

Bạn đọc có thể truy cập tại đây để trải nghiệm việc học online bằng công nghệ thực tế ảo. 

Do các video 360° có dung lượng rất lớn, việc trải nghiệm lớp học ảo được khuyến nghị thực hiện qua máy tính laptop hoặc máy tính để bàn với tai nghe và kết nối Internet ổn định.

Trọng Đạt