Ở Việt Nam, chim yến Hàng sinh sống làm tổ tự nhiên trong các hang đảo, tổ yến đảo thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Ở Việt Nam, yến sào đảo yến thiên nhiên được khai thác ở các hang đảo vùng biển Việt Nam: Quảng Bình, Hội An - Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó, Khánh Hòa là đơn vị quản lý, bảo vệ số lượng hang đảo yến thiên nhiên nhiều nhất với tổng sản lượng yến sào khai thác lớn nhất Châu Á và chất lượng được đánh giá hàng đầu thế giới.
Trong thời gian qua, với sự hình thành luận điểm khoa học mới về sự phát triển quần thể chim yến hàng gắn liền với sự hình thành và phát triển hang đảo yến mới. Các bí quyết kỹ thuật nhân đàn di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ vực dậy tiềm năng phát triển các hang đảo yến ở Khánh Hòa và trên toàn quốc. Sau đây là một số đặc điểm sinh học về chim yến đảo tại Khánh Hòa.
Chim yến đảo trưởng thành có khối lượng trung bình là 13,76g (nhỏ nhất: 12,3g; lớn nhất: 15,12g), có một số chim có trọng lượng lên đến 15,9 gram, điều này được giải thích là trong quá trình thu thập số liệu chim mẹ đang mang trứng sắp đẻ nên trọng lượng cơ thể cao hơn so với trung bình. Lông chim phần trên thân có màu đen hơi nhạt, phần dưới có màu xám đen hoặc nâu đen, hông có vệt nâu xám, lông đuôi màu đen, ngăn cách giữa phần lưng và phần đuôi là lông màu xám, móng chân màu hồng hoặc màu nâu đen.
Chim yến sử dụng đôi chân để bám vào vách đá, không đậu trên các cành cây, dây điện. |
Mắt màu nâu đen hạt nhãn, cằm màu nâu xám bạc tạo thành vòng cườm. Mỏ màu đen có chiều dài 2,3 mm, miệng rộng 6mm và há miệng đến mắt, đầu có chiều dài 24mm. Cánh của chim yến có chiều dài trung bình 125 mm, lông đuôi có chiều dài trung bình 50,1 mm, lông đuôi dài nhất: 52 mm.
Chân của chim yến cũng như các loài khác trong họ nhà chim là chân có 4 ngón, chiều dài cẳng chân 11mm, ống chân 21 mm, móng chân 4,5 mm. Chim yến sử dụng đôi chân để bám giá thể như: vách đá, bờ tường, giá gỗ. Chim yến không đậu trên các cành cây, dây điện. Do vậy, trong quá trình phát triển tiến hóa của mình, chim yến phát triển bộ móng chân để thích nghi với đời sống đeo bám.
Chim yến thường sống thành quần đàn, không sống riêng lẻ. Chúng sinh sống trong các hang động thuộc các đảo hoặc bán đảo và làm tổ ở nơi đảm bảo an toàn, che khuất, ít sự đe dọa của thú ăn mồi. Điều kiện sống và làm tổ của chim yến: nhiệt độ 27 - 310C, độ ẩm 70 - 85%, ánh sáng thích hợp là 0,1 - 0,4 Lux.
Chim yến có thể bay xa đến hàng trăm kilomet để đi kiếm ăn. Vùng kiếm ăn lý tưởng là có khoảng 50% diện tích cây thấp dưới 1m như đồng lúa, bụi cây; khoảng 30% diện tích cây cao trên 5m và khoảng 20% mặt nước thoáng. Thời gian chim rời tổ đi kiếm ăn tùy thuộc vào mùa, khi mặt trời mọc cũng là lúc chim yến bắt đầu đi kiếm ăn. Thời gian rời khỏi tổ từ: 4h00 - 4h30, vào mùa đông thì trễ hơn khoảng 5h00. Thời gian về: 19h00 - 20h00, vào mùa đông thì sớm hơn khoảng 18h30.
Chim không nuôi chim con thì rời tổ đi kiếm ăn cho tới khi quay về tổ để nghỉ ngơi. Những cặp chim đang ấp trứng thì luân phiên nhau về ấp trứng. Những cặp đang nuôi chim con tùy thuộc vào chim con lớn hay nhỏ mà chim mẹ quay về tổ nhiều hay ít. Thức ăn của chim yến là các loài côn trùng có cánh bay trong không trung (kiến cánh, mối, ruồi muỗi, bọ rầy, cánh cứng, bọ xít, chuồn chuồn kim,…).
Ths. Lê Hữu Hoàng