Âm thầm xuất hiện nhưng lại bất ngờ gây sốt. Đây chính là những nhận xét chuẩn xác nhất khi nói về Divinity Original Sin, tựa game nhập vai cổ điển đến từ Larian Studio, nhà sản xuất đã nổi danh với hàng loạt những tựa game RPG nổi tiếng như Divinity, Beyond Divinity, Divinityđang thực sự tạo nên một hiện tượng trong cộng đồng yêu thích game RPG.

Không chỉ liên tục đứng top những tựa game PC bán chạy nhất trên Steam từ khi lên kệ vào đầu tháng 7, Divinity Original Sin còn nhận được đánh giá cực cao từ giới phê bình với hàng loạt điểm 9 10 từ những trang tin game hàng đầu thế giới. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là lý do dẫn đến thành công của game ?

Lấy bối cảnh vào trước những sự kiện xảy ra ở phiên bản đầu tiên của dòng Divinity, Divinity Original Sin đưa người chơi nhập vai trở thành những Source Hunter, với nhiệm vụ thoát khỏi một nguồn năng lượng bí ẩn mang tên Source.

Khởi đầu game, cũng như các tựa game nhập vai khác, người chơi sẽ tạo ra cho mình một nhân vật phù hợp với lối chơi và cách tư duy riêng với các tùy biến về ngoại hình, lớp nhân vật…Đáng chú ý, thay vì chơi game với một nhân vật chính, giờ đây người chơi có thể tạo ra 2 nhân vật cùng lúc.

Thực chất, Divinity Original Sin được thiết kế để trở thành một tựa game co-op phối hợp giữa 2 người chơi với nhau thông qua mạng LAN hay Internet. Tuy nhiên, người chơi vẫn có thể tự mình solo với những trải nghiệm không khác biệt là mấy khi người bạn đồng hành cùng người chơi sẽ do AI điều khiển, dẫn tới những tương tác khá thú vị.

Cụ thể, những nhân vật này sẽ bàn luận, nhận xét hay thậm chí tranh cãi với nhau về các hành động mà người chơi thực hiện. Kết quả của những cuộc nói chuyện này có thể có tác động lên chiều hướng diễn tiến của cốt truyện.

Bên cạnh đó, game cũng cung cấp cho người chơi một sự tự do đáng kinh ngạc. Divinity Original Sin khuyến khích người chơi khám phá tối đa mọi thứ. Theo đó, game không bắt ép người chơi phải gò bó thực hiện theo cốt truyện chính. Bạn có thể đi khắp nơi đâu, tương tác với mọi thứ mà bạn nhìn thấy, kể cả khi chúng chẳng hề có chút liên quan đến nhiệm vụ hiện tại của bạn.

Chẳng hạn như việc, nếu bạn nhìn thấy một chậu hoa, nó không hẳn là một vật thể bất động được NSX tạo ra để trang trí cho cảnh nền. Thay vào đó, đây là một vật bạn có thể  tương tác như cầm nắm hay đập phá.

Tuy nhiên, sự tự do này cũng có cái giá của nó, khi gần như tất cả mọi hành động bạn làm ở Divinity Original Sin đều có thể dẫn tới những hậu quả hay kết cục khó lường về sau. Chiếc chậu hoa nói đến ở trên có khi lại chính là một đầu mối quan trọng trong một nhiệm vụ nào đó. Chính điều này đã kích thích người chơi tìm hiểu, khám phá hay tương tác mọi thứ càng nhiều càng tốt, với mục đích xem có bất ngờ thú vị nào sẽ xảy ra tiếp theo hay không.

Ở đây, người chơi được “đặt” vào trong thế giới mở rộng lớn trong game để tự mình điều tra những bí ẩn xung quanh mình. Tuy nhiên, ngoài nhật ký nhiệm vụ (quest log) cung cấp một vài thông tin cơ bản về nhiệm vụ mình đang làm, sẽ không hề có chuyện người chơi được game “cầm tay” chỉ đường làm quest từ A đến Z như “trẻ mẫu giáo” giống như những tựa game RPG khác hiện nay.

Thay vào đó, nếu muốn thực hiện nhiệm vụ, người chơi bắt buộc phải tự mình khám phá thế giới xung quanh hay giao tiếp với những NPC trong game. Bạn có thể lần ra những đầu mối được ẩn giấu trong một cuốn sách tại một thư viện bị bỏ hoang hay thậm chí,tìm kiếm thông tin từ những con vật như chó, mèo, chuột (!) nhờ kĩ năng nói chuyện với thú vật Pet pal.

Có thể thấy, việc tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề trong game phần nào gợi nhớ đến những tựa game giải đố, khi người chơi giống như một người “thám tử”, phải săm soi từng ngõ ngách nhỏ trong game để tìm hướng đi mới. Không cảm giác nào đã hơn sau nhiều tiếng mầy mò vô vọng, chúng ta giải được một câu đố hay bí ẩn khó nhằn.

Đương nhiên, bạn sẽ không chỉ dành phần lớn thời gian chơi game của mình để giải quyết những nhiệm vụ khó nhằn. Song song vào đó, xuyên suốt trong game, người chơi cũng sẽ phải chiến đấu với những kẻ địch đầy đáng sợ. Đó cũng là lúc người chơi được trải nghiệm cơ chế chiến đấu theo lượt cực kì phá cách và thú vị của Divinity Original Sin.

Với đặc thù của thế loại turnbase, game yêu cầu người chơi phải biết tính toán và vận dụng tối ưu các kĩ năng, phép thuật…trong mỗi turn. Đáng chú ý, khi đến lượt turn của mình, người chơi sẽ có một lượng điểm hành động (action point) nhất định để di chuyển nhân vật quanh chiến trường, tấn công kẻ địch hay sử dụng phép thuật…Hiểu một cách đơn giản, tất cả mọi thứ mà bạn thực hiện khi chiến đấu đều tốn điểm hành động, đòi hỏi người chơi phải cân nhắc và sử dụng hợp lý. 

Song song vào đó, chiến trường trong game không hề được chia thành những ô dạng lưới hay lục giác để di chuyển như những game theo lượt khác. Trái lại, người chơi có thể thoải mái di chuyển khắp mọi vị trí, khiến cho việc chiến đấu trở nên linh hoạt hơn mà không mất đi tính chiến thuật.

Tuy nhiên, chính những điểm dưới đây mới đóng vai trò trọng tâm trong việc biến cơ chế chiến đấu của game trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Theo đó, những thuộc tính trong phép thuật như lửa, nước, băng, điện….vốn luôn có mặt trong hầu hết các tựa game RPG giả tưởng, nay đã được nâng tầm lên trong Divinity: Original Sin bằng cách kết hợp chúng lại với nhau.

Ví dụ, bạn có thể sử dụng những phép thuật làm cho toàn bộ chiến trường ẩm ướt bằng cách kiểm soát thời tiết và làm cho trời đổ mưa. Đương nhiên, nước sẽ dễ dẫn điện, khiến cho mọi thứ từ môi trường, kẻ thù hay ngay cả chính nhân vật do người chơi điều khiển sẽ dễ bị sát thương hơn bởi những phép thuật sử dụng điện từ.

Nếu bạn giật điện một kẻ địch vốn đang đứng trong một vũng nước, chúng sẽ bị choáng và không thể di chuyển trong một vài turn. Bạn cũng có thể tạo ra những đám mây đầy hơi độc gây sát thương lên địch. Hấp dẫn hơn nữa, những đám mây này có thể bị đốt cháy bởi những phép thuật lửa khiến chúng phát nổ.

Tuy nhiên, những hiệu ứng như vậy có thể gây hại lên cả kẻ địch lẫn người chơi, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ cẩn thận trước khi ra đòn. Rõ ràng, hệ thống chiến đấu của Divinity Original Sin cực kì có chiều sâu và là một trong những điểm nhấn đạc sắc nhất của game.

Bên cạnh lối chơi đầy đặc sắc và phá cách, phần đồ họa và âm thanh trong game cũng đáng để nói tới. Được biết,  ngân sách phát triển của game khá khiếm tốn, chỉ khoảng 4 triệu USD. Con số này nếu so sánh với mức ngân sách cỡ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD thì không là gì cả. Đương nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một nền tảng đồ họa nextgen đỉnh cao cỡ The Witcher 3 hay Dragon Age Insiquition.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đồ họa của game không ấn tượng. Trái lại, nhờ sử dụng tông màu sặc sỡ, kết hợp hài hòa cùng artstyle theo lối hoạt họa dễ nhìn cùng một số hiệu ứng đồ họa tân tiến đã khiến cho phần hình ảnh, bao gồm ngoại cảnh, mô hình nhân vật hay các hiệu ứng phép thuật khá sắc nét và bắt mắt. Phần âm thanh và lồng tiếng cũng khá ổn, tuy không quá ấn tượng nhưng vẫn “đủ dùng”.

Tạm kết

Với độ dài khoảng 60 cho đến 80h chơi để hoàn thành game, đầu bếp Larian đã thực sự chiêu đãi những fan hâm mộ thể loại RPG một “món ăn” đầy đột phá nhưng không kém phần ấn tượng. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một món ăn theo kiểu “mì ăn liền”. Nói cách khác,  người chơi bắt buộc phải có được sự kiên nhẫn và một chút ít thông minh để từ từ thưởng thức tựa game nhập vai đáng chơi nhất 2014 này .

 

MAX - Theo Gamespot)