Đó là lời nói của một cô gái tuổi đôi mươi mang tên Hoàng Thị Minh Trang, một "nữ nhi" mê chơi game và gắn bó với game từ hồi nhỏ. Cô bạn còn được biết với tên gọi Trang Libra trong cộng đồng Liên minh huyền thoại , và hiện đang sinh hoạt cùng đội game nữ Boba Queen.

 

Nhắc về game, nhiều người vẫn còn những định kiến xấu và con gái chơi game lại càng nhận nhiều ý kiến tiêu cực hơn. Người ta thường cho rằng con gái là phải "yểu điệu thục nữ", không thêu thùa may vá thì cũng phải thích những thú vui nữ tính hơn là đắm mình vào việc chơi game. Vậy con gái chơi game có thật sự "cá biệt" hay "khác người"?

 

Trang là một cô gái phố núi (Gia Lai), tốt nghiệp đại học Hùng Vương TP.HCM. Hiện cô đang công tác tại một công ty chuyên sản xuất ly giấy và đã từng đi làm từ... năm lớp 7. Trang kể kỷ niệm đó:

"Mẹ em hay dắt em đi chợ, em thấy cô bán phở bán một mình tội quá nên em mới đến nói 'để con phụ cô'. Cô ấy nói là sẽ trả tiền công mỗi ngày cho em, nên cũng vui lắm. Đến ngày đầu đi làm, em đang bưng tô phở cho khách bỗng dưng mẹ em xuất hiện rồi hỏi 'Ăn phở hả con?', em cũng không biết trả lời thế nào rồi sự việc... bại lộ, mẹ không cho em làm nữa." (cười)

Sau đó, Trang còn liệt kê một danh sách khá dài các công việc mà cô nàng đã từng làm như phục vụ quán cafe, trông coi shop, phụ việc nhà, PG, và cả... mở shop thời trang riêng. Đó là các việc gắn bó với Trang trong suốt quảng thời gian học cấp 3 và đại học, cô nàng còn nói thêm một câu khá vui: "Em làm ra bao nhiêu thì tiêu gấp đôi anh ạ! (cười lớn)"

 

Nói chuyện đến đây, Trang đã làm người viết rất ấn tượng. Thật ra mà nói, sinh viên xa nhà, làm thêm đủ nghề để tự trang trải cuộc sống cũng là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nét đặc biệt ở Trang không chỉ là con gái, mà còn là một game thủ thực sự. Rõ ràng với những game thủ như Trang, những quan niệm kiểu như "ai đam mê game thì chỉ biết cắm đầu vào chơi game, chẳng biết gì cả" là hoàn toàn sai lầm, chứ đừng nói đến những thành kiến còn nặng nề hơn dành cho giới game thủ mà thỉnh thoảng các phương tiện truyền thông vẫn đăng tải.

Sau đó, câu chuyện của chúng tôi đi sâu hơn vào thú chơi game của Trang. Cô bạn chia sẻ: 

"Từ hồi lớp 2 em đã chơi cùng những người anh họ những trò dạng như Bắn xe tăng, chủ yếu là em muốn hòa đồng với mọi người. Nhưng chơi xong em lại thấy rất thích."

Thế do đâu mà em đến với game Liên minh huyền thoại?

Trang Libra: "Em được một người bạn hướng dẫn chơi game Dota. Sau đó bạn trai em chơi LMHT, em thử chơi rồi bị cuốn hút luôn."

Vậy game đối với em có ý nghĩa gì?

"Game với em là một trong những thú vui như bao trò giải trí khác. Thay vì đi shopping, xem tivi..., thì em chọn game để thư giãn đầu óc sau một ngày làm việc mệt mỏi."

Thế bố mẹ em có ngăn cấm em về việc chơi game không?

"Thú thật, ba mẹ không thích em chơi game lắm. Nhưng em cũng may mắn khi ba mẹ đều là những người khá tâm lý. Không hề có việc thấy con chơi game thì quát mắng hay cấm đoán. Thay vào đó ba mẹ gọi em đến nói chuyện, giải thích thiệt hơn. Có một thời gian em cũng sa sút học hành vì game, vì lúc đó em gặp một số vấn đề về cuộc sống. Thế giới ảo như một giải pháp giúp em tạm xa rời thực tại. Nhưng con người rồi ai cũng lớn lên, cũng đứng trước sự lựa chọn để trưởng thành hơn. Em dần dần không còn lao đầu vào game như trước nữa vì cũng phải bươn chải để mưu sinh, đối diện với những vấn đề hằng ngày trong cuộc sống: công việc, các mối quan hệ..."

 

Từ những lời bộc bạch của cô nàng game thủ này, người viết thấy đây là minh chứng cho việc cấm cản giới trẻ chơi game chỉ vì một số bộ phận phát sinh hệ quả tiêu cực, không phải là một giải pháp tốt. Không nói đâu xa, người viết đã từng tận mắt chứng kiến một cảnh như sau: một cậu nhóc trạc khoảng 14-15 tuổi đang ngồi chơi game trong tiệm net thì người bố tìm đến nơi. Chẳng nói chẳng rằng, ông cho cậu con một bạt tai, kèm sau đó là một câu nói lạnh lùng "Đi về! Mày chết với tao!".

Cậu bé mắt đỏ ngầu, vừa đau vừa xấu hổ, ôm mặt lầm lũi theo bố ra về. Có thể cậu bé đó sai thật, trốn gia đình đi chơi, nhưng rất có thể hành động của người bố trên chẳng đem lại kết quả tích cực, mà ngược lại, còn hình thành một vết sẹo tâm lý trong đầu cậu con trai, dễ khiến cậu bé trở nên chai lỳ và sẽ càng muốn "nổi loạn" theo kiểu tuổi mới lớn hơn.

 

Nếu ông bố trên có những cách hành xử tâm lý, lắng nghe và khuyên nhủ con cái thì kết quả chắc chắn sẽ mỹ mãn hơn. Thay vì cấm đoán con cái chơi game, các bậc phụ huynh nên gần gũi với con, đưa ra những lời khuyên, phân tích đúng đắn, góp phần định hướng để con trẻ "tâm phục khẩu phục", từ đó phát triển bản thân theo theo hướng đúng đắn.

Để kết thúc câu chuyện, người viết xin được trích lời của Trang Libra, nói về ước mơ nhỏ của mình:

"Mong muốn của em là làm chủ một cửa hàng nhỏ, được ăn món em thích, được yêu người em yêu (cười)." Há chẳng phải con người chúng ta đều có những mong ước bình dị như vậy sao? Game cũng chỉ là một hình thức giải trí, hệ quả tốt xấu phát sinh đều do cách sử dụng của mỗi người đúng hay sai.

Vì vậy, điều quan trọng là chơi game sao cho đúng và hợp lý. Muốn làm được điều này, bản thân các game thủ trẻ phải tự rèn luyện ý thức là một mặt. Mặt khác, họ vẫn rất cần những sự trợ giúp, định hướng và sẻ chia từ người khác, đặc biệt là những đấng sinh thành.

Theo thanhniengame