Dù bị la mắng nhưng các phụ huynh có con nhỏ bị ốm vẫn cảm thấy vui và yêu mến vị bác sĩ đặc biệt này.

Cô bé N.L.L (6 tuổi) - con của cặp vợ chồng làm công nhân ở Bình Dương, mắc chứng bệnh về mạch máu bẩm sinh. 9 tháng tuổi, L. được ba mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cấp cứu trong tình trạng sốc tim, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". May mắn, cô bé được ê-kíp của bác sĩ Tưởng can thiệp đặt stent kịp thời và trở thành người quen của bệnh viện. 

Bác sĩ Tưởng như là người sinh ra bé L. lần thứ 2. Mỗi lần tái khám, cô bé lại nôn nóng xin ba mẹ: “Cho con gặp bác Chuột, chỉ ngó một cái thôi”. Trong suốt thời gian con điều trị, ba mẹ của L. cũng thường xuyên bị bác sĩ la mắng nhưng họ vẫn vui, không giận dỗi vì hiểu bác sĩ chỉ mong làm điều tốt nhất cho các con.

Nhiều năm qua, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng (Giảng viên bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM) trở thành một bác sĩ idol khi có hàng triệu bà mẹ trên mạng xã hội theo dõi. Anh được các bệnh nhi và phụ huynh gọi với cái tên thân thương “bác sĩ Chuột”.

bs hoang Quoc Tuong.png
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng giảng viên Bộ môn Nhi trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC.

Trong cuộc trò chuyện với báo VietNamNet, bác sĩ Tưởng kể về hành trình trở thành bác sĩ thay ước mơ của mẹ và tích cực hoạt động trên mạng xã hội với mong muốn các gia đình có thêm kiến thức và bớt cực hơn trong hành trình chăm sóc con mình. 

Học y vì ước mơ của mẹ

Xin chào bác sĩ, tôi thường xuyên theo dõi hoạt động của anh trên mạng xã hội. Tôi còn nghĩ rằng anh sinh ra để làm nghệ sĩ nhưng ba mẹ bắt đi làm bác sĩ. Hiện tại, anh vừa làm thầy thuốc và thầy giáo, anh có thể chia sẻ hành trình với nghề y của mình như thế nào?

Bạn nói đúng, tôi không đến với nghề y vì đam mê trở thành bác sĩ cứu người như người ta vẫn hình dung. Tôi thi vào trường y để “thực hiện ước mơ của mẹ”. 

Mẹ tôi yêu thích nghề này lắm nhưng bà thi trượt trường y nên theo nghiệp giáo viên. Từ nhỏ, mẹ luôn kể về ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi chỉ nghe và không có sự chuẩn bị nào cho việc học y. Khi đi thi đại học, tôi còn nghĩ mình không đậu. Thật bất ngờ, tôi trở thành sinh viên trường Đại học Y Dược TPHCM và đều đạt kết quả xuất sắc trong các năm học.

hoang quoc tuong.png
Bác sĩ Tưởng và bệnh nhi của mình. Ảnh: NVCC.

Khi học y, tôi không ngừng cố gắng để ba mẹ biết dù không phải là ước mơ từ bé nhưng khi tôi đã dấn thân thì sẽ luôn nỗ lực hết mình với nghề. Với công việc giảng dạy, tôi nghiêm túc với sinh viên nhưng cũng không xây dựng một hình ảnh ông giáo đạo mạo, uy nghiêm. Vì muốn cũng có làm được đâu!

Mỗi người bệnh là một cá thể nhạy cảm và trẻ em càng mong manh. Vì sao anh chọn ngành nhi khoa?

Cá tính của tôi là hướng ngoại và thích giao tiếp nhiều. Tôi luôn thích lan tỏa những điều tích cực mang lại niềm vui cho người khác. Tôi chọn thi nội trú Nhi khoa cũng vì điều đó. 

Việc tiếp xúc với con nít thường xuyên cho tôi rất nhiều cảm xúc, trải nghiệm tốt. Những bệnh nhi đến với bác Chuột đều rất vui. Có lẽ, vì vẻ bề ngoài của tôi không lạnh lùng như trong tưởng tượng của các bé.

Hình tượng về một bác sĩ điềm đạm, chỉn chu của mẹ tôi đã bị sụp đổ. Bà thất vọng khi tôi nhí nhố quá. Nhưng sau đó, mẹ đã thay đổi và tôn trọng cá tính của con trai. BS Hoàng Quốc Tưởng

Anh là một bác sĩ và giảng viên nhưng lại khá “nhí nhố” trên mạng xã hội với những clip quậy “tung nóc”. Có khi nào anh bị phàn nàn về vấn đề này không?

Có chứ, ngay cả mẹ tôi cũng không thích phong cách này. Bà luôn yêu thích một hình tượng bác sĩ chỉn chu, điềm đạm nhưng tôi lại không phải như vậy. Dần dần, mẹ cũng tôn trọng cá tính của con trai.

Nhiều phụ huynh cũng nghi ngờ, lo ngại vì thấy tôi không ra dáng bác sĩ lắm. Nhưng khi tôi khám cho con của họ và trao đổi với nhau, họ đã thay đổi quan điểm. Tôi hay la mắng ba mẹ tụi trẻ lắm. Ví dụ, các mẹ hay bảo tôi: “Bác cho con xét nghiệm cái này, cái kia”. 

Tôi sẽ la ngay: “Thế bà muốn gì”. Nhiều người cũng ngỡ ngàng lắm nhưng khi tôi phân tích các xét nghiệm này vừa tốn kém, con bị lấy máu không cần thiết. Kết quả cuối cùng là chữa cho trẻ khỏi bệnh mới quan trọng. Hầu hết những người bị la mắng sau này lại rất tin tưởng tôi.

Khi cởi bỏ chiếc áo blouse, tôi cũng là người bình thường, sống thật với chính mình, chỉ cần không làm sai.

Từng muốn bỏ học nội trú vì không cứu được bệnh nhi

Tôi thấy anh luôn cười nói vui vẻ, mang những điều tích cực tới cho mọi người. Trong công việc có khi nào anh thấy áp lực, căng thẳng thậm chí bất lực không?

Tôi cũng là con người nên có đủ hỷ nộ ái ố. Có nhiều đêm trên đường lái xe về nhà, tôi rơi nước mắt vì tủi thân khi giờ này còn đi làm hay không cứu được bệnh nhi. Hằng ngày, tôi vẫn phải đối diện với nhiều ca sinh - tử, bất lực vì không giúp được bệnh nhi. Tôi tự hỏi mình đã đủ giỏi chưa, còn phù hợp với nghề này hay không.

Ngày học nội trú, tôi tiếp nhận cháu bé bị hư thận thể rất nặng, kháng thuốc. Bệnh nhi vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. 

BShoang quoc tuong.png
Nam bác sĩ được sinh viên yêu thích vì tính cách cởi mở, trẻ trung. Ảnh: NVCC.

Tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng suốt 3-4 giờ cấp cứu căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn thua bàn tay "tử thần", cháu bé diễn tiến quá nhanh. Khi đó, tôi thấy thật tội lỗi và cảm giác rất tệ. Ngày hôm sau, tôi lên gặp thầy cô xin nghỉ học nội trú.

Tuy nhiên, các thầy cô và lãnh đạo bệnh viện đều động viên rằng dù tôi hay bất cứ bác sĩ nào tham gia ca cấp cứu đó, kết cục của cháu bé đều như vậy. Có thể chỉ định của tôi khiến diễn tiến nhanh hơn nhưng đều là không thể cứu được. Sau đó, tôi đã xin lỗi gia đình cháu bé. 

Thầy cô nói rằng khi còn day dứt, tôi sẽ tiến bộ. Nếu bác sĩ luôn cảm thấy tự tin với tất cả chỉ định của mình sẽ nguy hiểm, mất đi khả năng học hỏi, quan sát. Đến nay, tôi vẫn đang trên hành trình cố gắng làm nghề tốt nhất có thể, tôi tự tin mình sẽ luôn khá hơn mỗi ngày. 

Tôi không bao giờ nói những lời mỹ miều về y đức hay lời thề Hippocrates vì điều đó đúng nhưng không cụ thể, mà nhiều khi với sự trải nghiệm ít ỏi chúng ta cũng không thể hiểu hết được.  BS Hoàng Quốc Tưởng

Trên mạng xã hội, anh không ngại tư vấn từ xa để người bệnh không phải lặn lội từ tỉnh lẻ vào thành phố khám bệnh. Tôi đọc nhiều bình luận các mẹ giận vì bác sĩ Chuột “chê tiền”, phải chăng với anh, nghề y không phải để kiếm sống?

Tôi không bị áp lực về kinh tế và luôn muốn làm tốt nhất cho bệnh nhi. Nếu các bệnh thông thường không cần đến bệnh viện lớn, đi xa, tôi sẽ tư vấn luôn cho các bà mẹ và hướng dẫn họ xử trí tại nhà qua các video hướng dẫn và đưa lên mạng xã hội. Có bà mẹ nhắn tin rằng nhờ những video này, họ nuôi con dễ dàng hơn hẳn.

Khi đứng trên giảng đường dạy các sinh viên, tôi không bao giờ nói những lời mỹ miều về y đức hay lời thề Hippocrates vì điều đó đúng nhưng không cụ thể, nhiều khi với sự trải nghiệm ít ỏi, chúng ta cũng không thể hiểu hết được. 

Tôi chỉ truyền đạt với học trò: "Khi bạn điều trị cho người bệnh, hãy ở tâm thế như người nhà của họ. Bạn sẽ làm gì với con, cháu mình thì với bệnh nhi cũng vậy. Khi đó, bạn sẽ được sự tin tưởng và yêu quý từ bệnh nhân".