Theo ScienceAlert, những dữ liệu mới trên bản đồ thiên hà Milky Way đã xác định lại vị trí Hệ Mặt Trời của chúng ta. Cụ thể, không chỉ có khoảng cách gần trung tâm thiên hà và hố đen siêu lớn Sagittarius A*, Hệ Mặt Trời của chúng ta còn có tốc độ di chuyển nhanh hơn trên quỹ đạo.
Phương pháp đo thiên văn dựa trên công nghệ tính góc VERA. Ảnh: National Astronomical Observatory of Japan. |
Tuy nhiên, các nhà khoa học không xem việc Trái Đất nằm gần siêu hố đen Srg A* là mối nguy. Thay vào đó, những chi tiết mới trên bản đồ Dải Ngân hà đã giúp họ xác định chính xác hơn vị trí của Hệ Mặt Trời cũng như Trái Đất.
Tạo bản đồ thiên hà theo không gian 3 chiều là một công việc tương đối phức tạp. Quá trình này từ lâu đã làm sai lệch sự hiểu biết của chúng ta đối với các hiện tượng không gian. Việc lập bản đồ tọa độ 2 chiều dễ dàng hơn nhiều, mặc dù vậy, vẫn rất khó có thể xác định chính xác khoảng cách giữa các vật thể không gian khác nhau.
Trong khoa học thiên văn, khoảng cách là một yếu tố quan trọng, chúng có nhiệm vụ giúp giới nghiên cứu xác định độ sáng nội tại của vật thể.
Nhờ có dự án đo thiên văn sử dụng công nghệ VERA (VLBI Exploration of Radio Astrometry), các nhà khoa học đã kết nối một số kính thiên văn vô tuyến trên quần đảo Nhật Bản. Sau khi ghép dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã tạo ra những hình ảnh có độ phân giải tương đương một kính thiên văn có đường kính lên tới 2.300 km. Nguyên tắc nghiên cứu này từng đường sử dụng để tạo ra ảnh bóng của một hố đen.
VERA bắt đầu được dùng để quan sát vào năm 2000. Công nghệ này có thể giúp các nhà khoa học xác định khoảng cách tới các ngôi sao phát ra sóng vô tuyến bằng cách tính thị sai của chúng. Với độ phân giải đáng kinh ngạc, VERA đã quan sát những ngôi sao trong hơn một năm và theo dõi cách chúng thay đổi vị trí so với những ngôi sao xa hơn.
Sự thay đổi vị trí này có thể được sử dụng để tính toán khoảng cách giữa ngôi sao và Trái Đất. Với độ phân giải góc lên tới 10 phần triệu của một cung giây, VERA được kỳ vọng sẽ tạo ra các phép đo thiên văn có độ chính xác cực cao.
Dựa trên danh mục đo thiên văn VERA, bao gồm 99 vật thể, được phát hành đầu năm 2020, các nhà thiên văn học đã tạo ra một bản đồ vị trí và vận tốc của những vật thể đó. Từ bản đồ này, các nhà khoa học đã có thể xác định được vị trí của trung tâm thiên hà.
Năm 1985, Liên minh Thiên văn Quốc tế đã xác định khoảng cách đến trung tâm thiên hà là 27.700 năm ánh sáng. Vào năm 2019, nhóm nghiên cứu GRAVITY đã tính khoảng cách này là 26.673 năm ánh sáng. Tuy nhiên, với những phép đo theo VERA, khoảng cách của Hệ Mặt Trời với trung tâm thiên hà chỉ còn 25.800 năm ánh sáng. Tốc độ quay trên quỹ đạo của Hệ Mặt Trời là 227 km/giây, khác với thông số trước đó là 220 km/giây.
Mặc dù các thông số không chênh lệch quá nhiều, chúng vẫn có thể tác động trực tiếp đến cách giới khoa học đo lường và giải thích hiện tượng ở trung tâm thiên hà. Từ đó cho một bức tranh chính xác hơn về những hoạt động xung quanh siêu hố đen Sgr A*.
Theo Zing
Sự thật về nghiên cứu hố đen nằm ở tâm Trái Đất
Nghiên cứu này được đăng tải trên một tạp chí khoa học, nhưng như vậy không đồng nghĩa là nó chính xác. Thậm chí, đây có thể là bài báo do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.