Trà Cú là huyện có trên 62% đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh, trong đó có 09/17 xã, thị trấn có từ 70 - 95% đồng bào Khmer. Song song với lộ trình xây dựng nông thôn mới, Trà Cú đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chăm lo đời sống người dân, nhất là vùng đông đồng bào dân tộc Khmer.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), năm 2023, huyện Trà Cú đã giải ngân gần 15 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 360 hộ Khmer, đến nay, cơ bản hoàn thành gần 330 căn nhà, hỗ trợ chuyển đổi nghề 65 hộ (650 triệu đồng), nước sinh hoạt 27 hộ (80 triệu đồng).

Bên cạnh đó, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc với gần 16,6 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 16 công trình (11 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng), duy tu 08 công trình (trên 1,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, huyện thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số, tạo phấn khởi trong nhân dân, là động lực giúp những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.

anh man hinh 2024 03 02 luc 004644.png
Đời sống đồng bào Khmer Trà Cú khởi sắc từng ngày. 

Ba năm gần đây, thực hiện Chương trình 1719 và nhiều hoạt động hỗ trợ khác, đời sống đồng bào Khmer của Trà Cú phát triển nhanh, tỷ lệ giảm nghèo cao.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn huyện Trà Cú giảm 927 hộ nghèo (đạt 125,15% kế hoạch), hiện còn 1.011 hộ nghèo (chiếm 2,33% so với tổng số hộ dân cư toàn huyện) và còn 1.216 hộ cận nghèo, chiếm 2,8%.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,66 triệu đồng/năm (tăng 5,06 triệu đồng/người/năm so năm 2022). Hiện Trà Cú đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới đúng theo lộ trình đề ra.

Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Trà Cú cho biết, thực hiện Chương trình 1719 đã có nhiều dự án, chương trình sớm phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư, nhiều vấn đề khó khăn cấp thiết của đồng bào Khmer đang từng bước được giải quyết, nhất là việc được hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo.

Xuất hiện những mô hình điển hình về thoát nghèo bền vững của đồng bào Khmer đã tạo động lực để huyện Trà Cú đạt các chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là phong trào có ý nghĩa nhân văn, được nhân dân đồng tình ủng hộ; đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV