|
Cả nước đã có 11 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức 4, nghĩa là người sử dụng có thể trả phí trực tuyến. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
>> Cung cấp 11 nhóm dịch vụ công mức 3 ở địa phương / Nguy cơ lộ thông tin người dùng dịch vụ công trực tuyến
Các cơ quan Nhà nước đang hướng tới triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất, đó là các giao dịch được thực hiện hoàn toàn qua mạng, người dân, doanh nghiệp không cần đến cơ quan công quyền để trả phí mà có thể sử dụng những phương thức trả phí trực tuyến.
Để tạo cơ sở pháp lý chính thức cho hoạt động thanh toán dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT đang dự thảo Thông tư quy định về phương thức, cơ chế và các yêu cầu đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến có thể lựa chọn triển khai các phương thức thanh toán trực tuyến phù hợp với mình, có thể thanh toán thông qua tài khoản được cung cấp trực tiếp từ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hợp pháp, cũng có thể sử dụng phương thức trung gian thanh toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, hoặc có thể xây dựng và sử dụng cổng thanh toán điện tử phù hợp các yêu cầu của cơ quan cấp phép có thẩm quyền.
Cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần triển khai phương thức thanh toán có hỗ trợ đa dạng các phương tiện thanh toán như thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua thẻ tín dụng, séc điện tử, ví điện tử hoặc qua các phương tiện khác phù hợp quy định đối với tài khoản thanh toán đang sử dụng.
Các phương thức thanh toán áp dụng phải được công bố toàn bộ trên cổng thông tin điện tử, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để người sử dụng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.
Người trả phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được cung cấp hóa đơn, chứng từ tài chính phủ hợp quy định pháp luật. Toàn bộ chứng từ điện tử chứa những thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán đã được thực hiện phải được lưu trữ theo luật định, đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng xem, in ấn và lưu trữ chứng từ ngay thời điểm chứng từ được khởi tạo.
Những giao dịch không thành công hoặc các giao dịch thuộc diện phải hoàn phí sẽ được áp dụng cơ chế hoàn phí trực tuyến.
Để đảm bảo an toàn bảo mật cho các giao dịch thanh toán phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngăn chặn việc dùng tài khoản giả mạo để thanh toán, cơ quan cung cấp dịch vụ phải thiết lập các biện pháp xác thực mạnh bao gồm xác thực đa nhân tố, xác thực bằng chữ ký số nhằm đảm bảo tính xác thực và chống chối bỏ đối với các bên tham gia giao dịch. Đồng thời, phải thiết lập và công bố các chính sách đảm bảo tính riêng tư, bảo mật thông tin cho người sử dụng, thiết lập những giải pháp kỹ thuật và các chính sách đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho những giao dịch.
Việc thiết lập hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán phải đảm bảo kết nối trực tuyến 24 giờ trong 1 ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì tối đa là 3 giờ/lần bảo trì và phải có thông báo trước cho người sử dụng.
Thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 cho thấy cả nước đã có 9.800 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 1 và 2 (công bố thủ tục và form mẫu, người dân có thể tải form mẫu hồ sơ thủ tục về điền); 860 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (người dân có thể tải form mẫu và nộp hồ sơ qua mạng) và 11 dịch vụ cấp 4 (mọi hồ sơ được gửi và trả qua mạng, người dân không cần đến tận cơ quan Nhà nước).
Theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, định hướng đấn năm 2020, hầu hết các dịch vụ công ở Việt Nam được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.