Chưa tìm được hướng khắc phục vấn nạn nhân viên "nhảy việc" sang nơi có chế độ lương thưởng ưu đãi hơn, các doanh nghiệp phần mềm lại tiếp tục gánh thêm nỗi lo "chảy máu chất xám" sang các doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu của ICTnews, ngày càng nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn. Trong bối cảnh nhu cầu, đơn hàng về gia công xuất khẩu phần mềm vẫn tăng mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực "săn lùng" các kỹ sư phần mềm thông thạo tiếng Nhật.
Ông Tạ Sơn Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty Rikkei Soft tại Việt Nam cho biết: "Các công ty gia công xuất khẩu phần mềm Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao gấp 2 - 3 lần so với doanh nghiệp Việt để tuyển được người. Tại Việt Nam, sinh viên ra trường có bằng tiếng Nhật và bằng CNTT trung bình chỉ nhận mức lương khoảng 600 USD, nhưng mức lương mà doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất có thể lên đến 1.500 - 2.000 USD. Điều này khiến cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam rất khó tuyển nhân sự biết tiếng Nhật. Bản thân Rikkei Soft từ đầu năm đến giờ vẫn chưa tuyển được người nào dù đăng tin liên tục và mức giá nhân công cũng được tăng lên".
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều đáng lo lắng nhất hiện nay không phải là khó tiếp cận thị trường cũng như khách hàng Nhật Bản mà là không đủ người để thực hiện các đơn hàng. "Chỉ riêng chuyến tham gia sự kiện Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản mới đây, Rikkei Soft đã kiếm được đủ việc cho cả năm 2014. Nhu cầu khách hàng rất lớn nhưng chúng tôi đang rất lo về vấn đề nhân lực", ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ thêm.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty NTQ-Solution dự đoán sự tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam năm nay sẽ đạt mức gần gấp đôi năm trước. Cơ hội làm ăn rất lớn nhưng để có thể biến cơ hội thành hiện thực thì phải giải quyết được vấn đề nhân lực.
"Khi hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra chính sách lương và đào tạo cực tốt để thu hút nhân lực, một câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ Việt Nam phải làm thế nào khi không có nhiều chi phí để cạnh tranh với doanh nghiệp Nhật? Kinh nghiệm cho thấy cách thức hiệu quả nhất là tự đào tạo, chọn sinh viên năm thứ 3 - 4 của những trường có nền tảng CNTT tốt, bỏ thời gian hướng dẫn làm đề án tốt nghiệp. Tại NTQ Solution, năm 2013, chúng tôi đã hỗ trợ 8 sinh viên làm đề án, và nay đã lấy được 5 người vào làm cho công ty. Khi đào tạo cho nhân viên, chúng tôi chú trọng 2 mảng là công nghệ và tiếng Nhật. Chúng tôi khuyến khích nhân viên ra các trung tâm uy tín để học và lấy chứng chỉ tiếng Nhật, nếu đạt được chứng chỉ công ty sẽ trả tiền học phí", ông Phạm Thái Sơn chia sẻ kinh nghiệm.
Đã có ý kiến đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan như Bộ TT&TT, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam tìm cách hạn chế các doanh nghiệp Nhật Bản dùng lương cao để hút nhân lực phần mềm tại Việt Nam.
Đồng cảm với nỗi lo mất người của các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam, song TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT lưu ý: "Việc doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao tới 2.000 USD/tháng, tương đương với mức lương trả cho kỹ sư phần mềm mới ra trường ở Nhật Bản, cho thấy họ đang rất thiếu người đáp ứng nhu cầu các đơn hàng. Có khi vẫn còn quá ít các doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu gia công xuất khẩu phần mềm của họ, buộc họ phải sang mở công ty tại Việt Nam. Không thể bắt buộc các doanh nghiệp Nhật không được trả lương cao để thu hút các kỹ sư phần mềm".
Trao đổi với ICTnews, đại diện của VINASA và một số chuyên gia trong ngành CNTT cũng khẳng định việc bắt buộc nhân viên của doanh nghiệp phần mềm không được "nhảy việc" sang những nơi có chế độ lương thưởng ưu đãi hơn là vi phạm luật lao động. Các doanh nghiệp phần mềm nên tìm hướng liên minh liên kết với nhau để có thể hỗ trợ nhân lực cho nhau triển khai những hợp đồng lớn cho khách hàng, tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế.