Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hành động quyết đoán của nước này ở Biển Đông đã gây ra sự mất ổn định khu vực rất lớn.

LTS: Năm 2015 và 2016 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tranh chấp tại Biển Đông, khi việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông do Trung Quốc tiến hành tăng tốc và đi vào giai đoạn quyết định. Trong đó bao gồm hơn 1.100 hecta đất cải tạo hạ tầng và đường băng có khả năng chứa các máy bay ném bom đường dài.

Không những các nước ASEAN có tranh chấp đặc biệt quan ngại, mà cả các quốc gia ngoài khu vực cũng lên tiếng mạnh mẽ. Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra xu hướng “quân sự hóa Biển Đông” đã trở nên rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng an ninh khu vực.   

Xung quanh vấn đề này, dưới đây là ý kiến của TS. Enrico Fels, đại học Bonn, CHLB Đức.

Thế lưỡng nan an ninh

{keywords}

TS. Enrico Fels, đại học Bonn

Đối với Trung Quốc, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược bậc nhất. Không chỉ là nguồn cá và năng lượng dồi dào hay các con đường thông tin liên lạc quan trọng trên biển (SLOC) chạy qua khu vực thương mại quan trọng nhất này, mà còn vì an ninh cho các khu vực bờ biển của Trung Quốc trước hải quân Mỹ và khả năng sống sót của năng lực tấn công hạt nhân thứ hai của Trung Quốc bị đe dọa bởi vị trí chiến lược vững mạnh của lực lượng không quân và hải quân Mỹ.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân đội, đặc biệt củng cố những vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Trung Quốc cũng là dấu hiệu cho thực tế là Trung Quốc, như những cường quốc khác, tìm cách thống trị vùng “gần xa bờ” (near abroad) và mong muốn có được một bộ đệm an ninh trong cạnh tranh với Mỹ. Ở một số khía cạnh, các quốc gia khác trong khu vực do đó trở thành nạn nhân của một Trung Quốc mạnh hơn và có năng lực lớn hơn trong các cuộc cạnh tranh an ninh với Mỹ.

Theo phân tích, hiểu về mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là quan trọng: Giới lãnh đạo TQ, theo một phương thức vi phạm luật quốc tế rõ ràng và chỉ được chống đỡ bởi những chứng cứ lịch sử nghèo nàn, mưu toan thiết lập an ninh và vị thế trên Biển Đông bằng việc quân sự hóa “tài sản” của mình trên biển. Qua cách thức đó, Bắc Kinh muốn hạn chế khả năng cơ động của các lực lượng hải quân khác và [một cách lý tưởng] giữ lực lượng quân đội Mỹ càng xa Trung Quốc đại lục càng tốt.

Hiển nhiên là cần thiết khi các quốc gia khu vực và Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh về những hành động này và khi Manila đã yêu cầu Tòa trọng tài thường trực PCA ra phán quyết về một khía cạnh pháp lý quan trọng liên quan đến các tranh chấp theo UNCLOS.

Tuy nhiên, các cường quốc thường không cảm thấy mình bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế - Trung Quốc, nước đã ký kết UNCLOS, là một ví dụ hoàn hảo. Đúng như vậy, sự vi phạm luật pháp quốc tế của các cường quốc thường không bị trừng phạt hoặc không có những hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, thậm chí ngay cả trong thế kỷ 21, thì dường như chỉ có cường quốc mới có thể giới hạn các hành động của một cường quốc khác một cách đầy đủ và thích đáng. Không phải lúc nào luật quốc tế cũng được thực thi.

Theo nghiên cứu của tôi, với sự phát triển kinh tế và quân sự đáng kinh ngạc của mình, Trung Quốc đang đầu tư để theo đuổi chiến lược nhằm giữ Mỹ ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) này trên Biển Đông và những khu vực khác là nhằm đưa Trung Quốc một lần nữa trở thành quyền lực thống trị.

{keywords}

Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS/ IHS Jane’s

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hành động quyết đoán của nước này ở Biển Đông đã gây ra sự mất ổn định khu vực rất lớn. Trớ trêu thay, trên thực tế chúng cũng sẽ khiến TQ càng thêm bất an về phản ứng dữ dội ở Châu Á, những hành động xác quyết của Trung Quốc khiến các quốc gia khu vực phải thiết lập một sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ và những cường quốc khác như Ấn Độ.

Trên lý thuyết, tình trạng này đã tạo nên những gì mà học giả John Herz đã chỉ ra, thế lưỡng nan về an ninh: Những hành động của một quốc gia nhằm gia tăng an ninh của chính nó sẽ tạo ra áp lực với những quốc gia khác nhằm phản ứng lại tương tự như vậy, dẫn đến vòng xoáy nguy hiểm của sự cạnh tranh giữa các quốc gia liên quan.

Cách tiếp cận giải quyết

Một cách tiếp cận quan trọng để giải quyết vấn đề này là tăng cường đối thoại giữa những nước tham gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy sự mất lòng tin chiến lược nghiêm trọng trong khu vực – không chỉ trong trường hợp của Washington và Bắc Kinh. Quy mô quân đội và chính sách phát triển quốc phòng của cả hai nước phản ánh mối quan hệ giữa hai quốc gia là đặc biệt đáng lo ngại trong vấn đề này, bất chấp sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn về kinh tế, mà cuối cùng chỉ có “thuyết phục hòa bình” chứ không phải là “ngăn chặn xung đột”.

Các quốc gia trong khu vực sẽ phải nỗ lực để tránh trở thành “bẫy Thucydides”. Bẫy này ví dụ một cách đơn giản sự tăng lên về quyền lực sẽ gây ra xung đột quân đội với một nước mới nổi hoặc một nước xuống dốc. Đây là trường hợp của 11 trong số 15 ví dụ kể từ năm 1500: một quyền lực lớn đã hình thành gặp một đối thủ cạnh tranh đang trỗi dậy và chiến tranh giữa họ nổ ra. Thật không may, Châu Á-Thái Bình Dương thiếu một khuôn khổ đáng tin cậy cho hòa bình và an ninh so với NATO hay EU, điều cho phép tạo ra một khu vực rộng mở và cộng đồng an ninh.

Cộng đồng an ninh là khái niệm do Karl Deutsch đưa ra, theo đó, nó được thành lập khi những nhân tố khu vực đều chung cách nhìn nhận rằng các vấn đề được giải quyết không phải thông qua sức mạnh quân sự mà bằng những biện pháp hòa bình. Đáng buồn thay, Châu Âu chỉ học được bài học về sự hợp tác hòa bình trong khu vực sau hai cuộc thế chiến thảm khốc. Và có vẻ như vẫn còn một số việc trước mắt để kiến tạo một nhận thức chung hướng tới an ninh khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Quốc An