Các nhà hoạch định Trung Quốc rõ ràng đang cân nhắc làm thế nào để vô hiệu hóa những lợi thế trong các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Tác giả James Steinberg là Giáo sư ngành Khoa học Xã hội, Các Vấn đề Quốc tế & Luật và là Hiệu trưởng Trường Công vụ và Dân sự Maxwell tại Đại học Syracuse. Michael O’hanlon là Học giả Cao cấp tại Trung tâm An ninh và Tình báo Thế kỷ 21 và Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings. Cả hai người là đồng tác giả của cuốn sách Strategic Reassuarance and Resolve: U.S.-China Relations in the Twenty-first Century (Princeton University Press, 2014). Bài viết chúng tôi giới thiệu dưới đây lược dựa theo nội dung của cuốn sách này.
Tư duy theo cách thông thường
Ngân sách quân sự hàng năm của Bắc Kinh sẽ không thể bằng với mức của Washington cho tới tận năm 2030. Và thậm chí đến lúc đó, Hoa Kỳ vẫn có thể dựa vào kho dự trữ vũ khí hiện đại, kinh nghiệm chiến đấu trong nhiều năm và chi tiêu của đồng minh cũng như các đối tác (hiện nay vào khoảng 400 tỉ hàng năm).
Nhưng nếu Trung Quốc muốn xoa dịu những e sợ từ quốc tế và ra chứng minh rằng mục tiêu của họ là tự vệ chính đáng thay vì vươn sức mạnh ra bên ngoài và đe dọa các quốc gia khác, nước này có thể thực hiện nhiều bước đi mang tính xây dựng. Biết rằng chi tiêu của Mỹ không chỉ dành vào năng lực ở Châu Á mà còn trên toàn thế giới, sẽ là hợp lý khi cho rằng Trung Quốc có thể tự vệ thích đáng chỉ với khoảng một nửa số chi tiêu mà Hoa Kỳ bỏ ra.
Bằng cách giảm tỉ lệ gia tăng ngân sách quân sự trong những năm tới, Trung Quốc có thể cho thấy rằng mục tiêu của họ là chỉ tự vệ thay vì đạt được cân bằng tuyệt đối.
Đồng thời, Trung Quốc cũng có thể hạn chế mua các hệ thống vũ khí (như các loại tên lửa đạn đạo chống tàu tầm xa), những vũ khí mà mục đích sử dụng của chúng có vẻ trái ngược với khẳng định rằng nước này hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Rộng hơn nữa, Trung Quốc có thể minh bạch hơn về ngân sách và chi tiêu quân sự, và làm sáng tỏ hơn những mục tiêu của học thuyết A2/AD của họ.
Về phần mình, Hoa Kỳ có thể từng bước chứng minh rằng quá trình hiện đại hóa lực lượng quân sự thông thường của nước này không nhằm đe dọa những lợi ích an ninh chính đáng của Trung Quốc. Một biểu hiện của sự kiềm chế như vậy là việc ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đang suy giảm.
Nhưng trong việc này, Washington vẫn có thể làm được nhiều hơn, điển hình như làm rõ mục đích của khái niệm “tác chiến không- biển”, đổi tên nó thành “chiến dịch không- biển” (“air-sea operations”), đưa thêm các quân chủng khác tham gia vào chính sách châu Á của Hoa Kỳ bên cạnh hải quân và không quân, và thay đổi một số điểm mang “hàm ý công kích” trong học thuyết không-biển của họ, những điểm có vẻ trực tiếp đe dọa đến khả năng chỉ huy-kiểm soát cũng như các tài sản chiến lược của Trung Quốc với một đòn tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xung đột diễn ra.
Để những thay đổi trong học thuyết như vậy đáng tin hơn, Hoa Kỳ có thể ngừng thu mua thêm tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa và máy bay ném bom chiến lược, những vũ khí nếu mua với số lượng lớn có thể được xem như đe dọa đến sự tồn tại của Trung Quốc.
Bằng việc triển khai những khí tài thông thường một cách đa dạng mà không phụ thuộc quá nhiều vào sự leo thang sớm (bao gồm những căn cứ vững chắc hơn và những tài sản khó bị phá hủy hơn trong một cuộc tấn công), Washington có thể góp phần làm giảm khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang Mỹ-Trung và nguy cơ nổ ra xung đột trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng.
Từ vũ trụ tới không gian ảo
Biện pháp xây dựng lòng tin nổi bật nhất trong Chiến tranh Lạnh là những thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược mà, dù gặp một số vấn đề, cuối cùng đã giúp Washington và Moscow tăng cường ổn định trước khủng hoảng và hạn chế chạy đua vũ khí hạt nhân tiến công và phóng vệ.
Vì nhiều lý do, những thỏa thuận kiểm soát vũ khí chính thức sẽ không phù hợp với quan hệ Mỹ-Trung hiện nay như với quan hệ Mỹ-Liên Xô, thậm chí trong một số trường hợp có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, có một số giải pháp trong lĩnh vực vũ khí đặc biệt có thể làm giảm nghi ngờ giữa hai bên và khả năng leo thang xung đột vô ý hay xung đột quá sớm.
Lấy ví dụ về vấn đề không gian vũ trụ. Biết được sự phụ thuộc sâu sắc của Hoa Kỳ vào vệ tinh cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, các nhà hoạch định Trung Quốc rõ ràng đang cân nhắc làm thế nào để vô hiệu hóa những lợi thế mà vũ trụ mang lại cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Nhưng chính vì sự phụ thuộc đó, Hoa Kỳ sẽ buộc phải hành động mạnh mẽ và nhanh chóng nếu tin rằng những vệ tinh của mình đang gặp nguy hiểm, khiến cho khó có thời gian để tìm bằng chứng hay các biện pháp ngoại giao để ngăn chặn khủng hoảng.
Vì lý do đó, Washington bắt buộc phải có các biện pháp tăng cường an ninh cho những tài sản vũ trụ của mình, và những biện pháp này cũng sẽ được Bắc Kinh chú ý hơn, do dần dần họ cũng sẽ nâng cao năng lực vũ trụ của mình. Không có gì đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối trong vũ trụ, do mỗi vệ tinh dân sự điều khiển được đều có khả năng phá hủy một vệ tinh khác.
Nhưng bằng việc áp dụng các biện pháp như thỏa thuận giữ khoảng cách an toàn xung quanh các vệ tinh, các chuẩn mực hành xử vẫn có thể được thiết lập nhằm hợp thức hóa việc sử dụng vũ lực để tự vệ mà không bị coi là khiêu khích. Ở đây sự linh hoạt cũng là quan trọng, vì Hoa Kỳ sẽ cần có những hệ thống vũ trụ và trên không có số dư dự phòng để bù đắp cho tình trạng dễ bị tổn thương không thể tránh khỏi.
Tương tự, Hoa Kỳ và Trung Quốc, và lý tưởng nhất là cùng các quốc gia khác, có thể đồng ý thông qua một hiệp ước ngăn cấm va chạm hoặc các vụ nổ có thể sinh ra những mảnh vỡ trên độ cao xấp xỉ 1.000 dặm trong không gian, tại vùng mà những vệ tinh tầm thấp thường xuyên hoạt động.
Khu vực này đã có nhiều mảnh vỡ đến mức có thể làm cho những hoạt động vũ trụ trong tương lai trở nên nguy hiểm, và do những thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa thường diễn ra ở cao độ thấp hơn, thỏa thuận như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích mà gần như không có bất lợi nào.
Cả hai bên cũng có thể thỏa thuận không phát triển hoặc thử nghiệm các vũ khí chống vệ tinh hoặc các vũ khí không đối đất. Tất nhiên, chỉ hạn chế thử nghiệm sẽ không loại trừ khả năng sử dụng các loại vũ khí này, nhưng chúng có thể làm giảm đi mức tự tin vào chúng của mỗi bên, cũng như làm giảm sự sẵn lòng đầu tư và phụ thuộc vào những vũ khí đó, vốn được coi là có thể gây bất ổn lớn trong khi chưa chắc đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Còn nữa
Nguồn: James Steinberg & Michael O’Hanlon (2014), “Keep Hope Alive: How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up”, Foreign Affairs, Vol. 93, No. 4, pp. 107-117.
Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Bài được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net