Các loại đất hiếm đóng vai trò then chốt trong ngành công nghệ cao, phục vụ sản xuất mọi sản phẩm từ điện thoại di động đến các chiến cơ hiện đại.
Ảnh: Reuters |
Đầu tuần này, Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Trung Quốc (ACREI), bao gồm gần 300 công ty khai thác, chế biến và sản xuất đất hiếm, đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt, ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tấn công Bắc Kinh bằng một loạt thuế quan mới.
Ngày 7/8, ACREI ra thông cáo tố chính sách thuế quan của Washington là "hành vi bắt nạt thương mại" nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. "Chúng tôi mạnh mẽ phản đối" điều đó, Hiệp hội này bày tỏ.
Dù thừa nhận sẽ không bên nào chiến thắng, ACREI cảnh báo các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ là nạn nhân của cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuyên bố của ACREI càng tăng sức mạnh cho những bóng gió mà các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra rằng họ có thể thực thi các giới hạn về xuất khẩu đất hiếm. Hồi tháng 5, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một cơ sở đất hiếm ở tỉnh Giang Tây, báo chí địa phương đưa tin chính phủ Trung Quốc sẵn sàng ban lệnh cấm xuất khẩu các nguyên tố này.
Những động thái như vậy có thể sẽ gây tổn thất cho Mỹ vì nước này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất các thiết bị công nghệ cao và vũ khí.
Hồi tháng 7, trong một nỗ lực dường như để đảm bảo nguồn cung, Lầu Năm Góc đã yêu cầu các mỏ Mỹ báo cáo năng lực khai thác và trình các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này.
Trung Quốc cung cấp hơn 80% tổng lượng đất hiếm toàn cầu nhưng đang giảm dần xuất khẩu. Trong tháng 6, nước này xuất đi 4.966 tấn đất hiếm, ít hơn 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh Hảo