Trong 05 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), Thành ủy, UBND TP. HCM và cấp ủy, chính quyền các cấp đã cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn cũng giúp giải quyết việc làm cho gần 123.600 lao động |
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay tăng trên 1.369 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP tính đến hết tháng 6/2019 đạt gần 3.357 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với 2014.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp cho gần 264.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần giúp cho gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 - 2018.
Nguồn vốn cũng giúp giải quyết việc làm cho gần 123.600 lao động; hỗ trợ gần 4.900 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp trên 17.300 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới gần 155.700 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành…
Thông qua việc sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo, tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường. Quan trọng không kém, nguồn vốn này cũng giúp từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Bài: Đỗ Thúy Hạnh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Mai Hương - Nhóm PV